Nghề KOLS: Thu nhập trăm triệu thoả mãn tâm lý giới trẻ!

Phan Hoàng Thiên Thy là người mẫu ảnh, KOL

1/ KOL LÀ GÌ? VÌ SAO NHIỀU NGƯỜI TRẺ TUỔI TRỞ THÀNH KOL?

KOL là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “key opinion leader “, tạm dịch là “người có sức ảnh hưởng”. Bất kỳ một cá nhân hay tổ chức có kiến thức chuyên môn và có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực hay ngành nghề của họ đều có thể trở thành KOL.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, KOL được chia thành 3 nhóm chính: Celebrity (những người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên…), Influencer (là những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội đến từ các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau; bất kỳ người dùng mạng xã hội nào cũng có thể trở thành một influencer), Mass Seeder (là những người có sức ảnh hưởng ở những nhóm khách hàng nhỏ lẻ).

Ai cũng có cơ hội trở thành KOL.

Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ không hoạt động nghệ thuật trở thành KOL và đa số thuộc nhóm 2: Influencer. Đây là nhóm đối tượng hoạt động trực tuyến, đặt tên và phát huy ảnh hưởng của họ trên các phương tiện truyền thông xã hội, blog để thu hút được một lượng người quan tâm và theo dõi nhất định.

Thực tế, ai cũng có cơ hội trở thành KOL trong nhiều lĩnh vực như ẩm thực, sức khỏe, thời trang… chỉ cần đáp ứng đủ những yếu tố như: hiểu thế mạnh của bản thân, xác định công chúng, chuyên môn, đầu tư và sáng tạo nội dung, mức độ lan truyền. Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ trở thành KOL trong nhiều lĩnh vực, có thu nhập cao.

KOL lĩnh vực công nghệ, khởi nghiệp Lê Anh Tiến.
KOL lĩnh vực công nghệ, khởi nghiệp Lê Anh Tiến.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, KOL trong lĩnh vực công nghệ và khởi nghiệp, anh Lê Anh Tiến (sinh năm 1990, CEO Công ty cổ phần Công nghệ Chatbot Việt Nam) cho biết: “Thu nhập chính của mình không đến từ việc làm KOL, công việc KOL của mình chủ yếu là để chia sẻ các giá trị cho cộng đồng. Ngoài ra, nếu có doanh nghiệp nào liên quan đến công nghệ book (đặt hàng- PV) bài thì mình vẫn hỗ trợ chia sẻ. Chi phí cho mỗi bài quảng cáo tùy theo hình thức book của doanh nghiệp đó. Số lượng người theo dõi trên trang cá nhân của mình cũng khá đông, tầm 300.000 người theo dõi, nên thông thường chi phí cho mỗi bài đăng trên Facebook cá nhân của mình là 10-20 triệu đồng“.

Với lợi thế về ngoại hình và khả năng diễn xuất, Phan Khải Hưng (sinh năm 2002, quê ở Nghệ An) tiết lộ mức thu nhập khi làm KOL trong lĩnh vực thời trang: “Khoảng thời gian hoạt động sôi nổi, có tháng em kiếm được 80-100 triệu đồng. Ở thời điểm hiện tại, mỗi bài đăng quảng cáo trên trang cá nhân của em thường nhận 2,5-3 triệu đồng; mỗi shoot TVC và quay quảng cáo có giá 8-10 triệu đồng; một bộ ảnh lookbook gồm 10 trang phục có giá 5-6 triệu đồng“.

Huấn luyện viên thể hình Yến Xuân là KOL trong lĩnh vực thể thao và chăm sóc sức khỏe.
Huấn luyện viên thể hình Yến Xuân là KOL trong lĩnh vực thể thao và chăm sóc sức khỏe.

Khảo sát về thu nhập của KOL trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hot girl Yến Xuân (huấn luyện viên thể hình) nói: “Mỗi ngày trung bình mình nói chuyện với khoảng 60 – 70 học viên. Họ là những người luôn đặt ra cho mình rất nhiều vấn đề, câu hỏi hay. Để giải đáp các thắc mắc này, mình luôn phải tìm kiếm những kiến thức mới ở Youtube, các trang sách, báo sức khỏe quốc tế và học hỏi ở các anh chị đồng nghiệp khác.

Hiện tại, thu nhập trung bình của mình dao động khoảng 60-100 triệu đồng/tháng. Và trong tương lai, mình dự định sẽ theo đuổi công việc này lâu dài, cho đến khi không còn đủ khả năng, hứng thú thì thôi”.

Vũ Hồng Thái (sinh năm 2000) hiện là sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội kiêm người mẫu ảnh, KOL nói: “Theo mình thấy, mức thu nhập trung bình của các KOL tương tác tốt sẽ rơi vào khoảng trên 100 triệu đồng/tháng. Nếu là KOL mới vào nghề hoặc tương tác ít sẽ khoảng 50-70 triệu đồng/tháng. Cụ thể hơn, nếu bài đăng của các nhãn hàng nhận được nhiều lượt tiếp cận thì sẽ được 5-10 triệu đồng/bài. Tương tác thấp thì chỉ được 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/bài“.

KOL đình đám gần 1 triệu lượt theo dõi trên Instagram Võ Ngọc Trân cho hay: “Em nhận quảng cáo cho các sản phẩm, nhưng em chỉ nhận sản phẩm có tên tuổi, chứng nhận rõ ràng. Hơn nữa em cũng chỉ làm quảng cáo độc quyền nên chi phí cũng rất ổn định. Một tháng em chỉ nhận quảng cáo một sản phẩm là đủ cho em sinh hoạt. Mỗi quảng cáo độc quyền (nghĩa là không nhận thêm quảng cáo của nhãn hàng khác cùng loại) có giá 45-50 triệu đồng”,

2/ KOL ÁP LỰC BỊ SOI MÓI: KIẾM 300 TRIỆU ĐỒNG/THÁNG PHẢI NÓI GIẢM NÓI TRÁNH

Sau khi tiết lộ mức thu nhập 50 triệu đồng/tháng khi làm KOL với Dân trí cách đây chưa lâu, Trương Diệu Linh (sinh năm 2001, quê ở Hà Tĩnh) lập tức xin đính chính mức thu nhập thực tế của cô lên đến 300 triệu đồng/tháng.

“Thu nhập đỉnh điểm của mình là khoảng 300 triệu đồng/tháng nếu ngày nào cũng nhận được việc. Còn bình thường, thu nhập của mình dao động khoảng trên dưới 200 triệu đồng/tháng. Thời điểm dịch bệnh như hiện nay thì khoảng 100 triệu đồng/tháng. Cụ thể, mỗi buổi tùy vào số lượng sản phẩm cần làm người mẫu chụp hình, mình sẽ có thu nhập khoảng 10-30 triệu đồng/buổi“, Diệu Linh xin đính chính.

Diệu Linh

Diệu Linh trình bày, sở dĩ ban đầu cô “giấu” thu nhập thật của bản thân là bởi: “Mình nghĩ vấn đề thu nhập khá tế nhị của mỗi cá nhân. Đặc biệt, ở độ tuổi của mình, nếu công khai mức thu nhập quá cao như vậy sẽ khiến mọi người khó tin. Chính vì vậy, ban đầu mình không muốn chia sẻ để tránh gây ra nhiều tranh cãi nhưng người thân khuyên mình nói thật để tránh gặp phải rắc rối”.

Theo Diệu Linh, khi làm công việc này, thứ KOL bỏ ra đầu tiên đó là chi phí bảo dưỡng nhan sắc bởi phải trang điểm khá nhiều và tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời. Thông thường, Linh dành thời gian đi spa 2 lần/tuần, một liệu trình 10 buổi có chi phí 30-40 triệu đồng.

“Mới bước vào nghề, thu nhập của mình rất thấp, thậm chí nhận chụp miễn phí để lấy hình ảnh. Thu nhập ngày đó chỉ rơi vào 600.000 đồng/buổi, đi làm mẫu make up 50.000 đồng/tiếng. Mình làm KOL được 3 năm, mình mất nửa năm để có mức cát-xê cao hơn ngày đầu”, Diệu Linh kể.

Mùa dịch, Diệu Linh nhận sản phẩm của các nhãn hàng về nhà chụp hình quảng cáo. Vì nhu cầu mua sắm online khá cao của mọi người nên Linh vẫn duy trì được công việc của mình.

KOL Võ Phương Linh (sinh năm 1997, quê ở Nghệ An) không giấu giếm về những góc khuất trong nghề. Cô tiết lộ: “Vấn đề cạnh tranh trong nghề KOL là có nhưng bản thân mình sống khá khép kín nên không thường xuyên va chạm. Có hiện tượng một số KOL đẩy giá xuống thấp để nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn, khiến cho các nhãn hàng cũng dựa vào đó để ép giá những người khác”.

Gần đây, có những KOL, thậm chí là nghệ sĩ tên tuổi vướng phải lùm xùm quảng cáo cho sản phẩm chất lượng kém, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, Phương Linh cho rằng mỗi người đều nên tự ý thức được công việc của mình và tìm hiểu thật kỹ trước khi nhận.

Phan Hoàng Thiên Thy là người mẫu ảnh, KOL
Phan Hoàng Thiên Thy là người mẫu ảnh, KOL

KOL Phan Hoàng Thiên Thy (SN 1995, quê ở Nghệ An) chia sẻ về sự việc khiến cô hết sức bức xúc: “Mình được một số người bạn bè và người theo dõi gửi ảnh chụp màn hình ở một số group chat, group chia sẻ hình ảnh trên nhiều ứng dụng, website khác nhau.

Các ứng dụng, diễn đàn này mình không sử dụng, thậm chí chưa từng biết tới nhưng đã tự ý lấy hình ảnh của mình để đăng lên với mục đích mồi chài khách mua bán dâm, tìm “sugar daddy”.

Từng là một streamer và hiện tại làm người mẫu ảnh, KOL nên Thiên Thy định hướng hình ảnh trưởng thành hơn so với trước đây, gợi cảm và cá tính hơn. Bởi vậy, cô thường xuyên nhận được những lời mời mọc khiếm nhã, gạ kiếm tiền bất chính dưới các hình thức như: người mẫu “tiệc đen”, sugar baby (từ ngữ ám chỉ các cô gái được bao nuôi – PV), đi tour với đại gia, bán ảnh khỏa thân…

3/ HỌC ĐỂ TRỞ THÀNH CHUYÊN GIA TRƯỚC KHI LÀM KOL

PGS.TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN chia sẻ: “Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, thương mại điện tử và tiếp thị số, KOL đang trở thành một nghề hái ra tiền vì hiện rất nhiều thương hiệu lớn muốn tận dụng sự nổi tiếng và sức ảnh hưởng của các KOL để quảng bá sản phẩm, định hình xu hướng, đưa các sản phẩm, dịch vụ của họ đến với khách hàng mục tiêu nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Theo tôi, bản thân KOL cũng là một nghề thỏa mãn rất nhiều nhu cầu tâm lý của giới trẻ hiện nay. Giới trẻ hiện nay tôn sùng chủ nghĩa cá nhân, thoải mái thể hiện cá tính, tự do ngôn luận. Họ sống tôn trọng đam mê của mình hơn và ai cũng bị ám ảnh bởi diện mạo bên ngoài và mong muốn có được sự chú ý của người khác.

PGS.TS. Trần Thành Nam
PGS.TS. Trần Thành Nam

Giới trẻ hiện đại ai cũng có nỗi sợ FOMO (sợ bị bỏ lỡ) và FOLO (sợ bị ngắt kết nối mạng). Làm KOL khiến cá nhân có thể thỏa mãn các đam mê của bản thân từ trải nghiệm du lịch khám phá đến tư vấn trang điểm hay thủ thuật bếp núc… Trở thành KOL khiến họ luôn cảm thấy mình đứng trong ánh đèn của sân khấu và mang lại giá trị, ảnh hưởng đến người khác”.

Bày tỏ ý kiến với câu hỏi: “Bạn trẻ kiếm được nhiều tiền sớm có tốt không ?”, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, với thế hệ GenZ, họ sinh ra trong nền kinh tế thị trường, bị ảnh hưởng và định hướng về phong trào khởi nghiệp và tinh thần kinh doanh từ sớm nên mong muốn xây dựng hình tượng con người thành công, phải giàu sang là chuyện đương nhiên.

Và một trong những ngành nghề có thể kiếm tiền sớm, không đòi hỏi quá khắt khe kỹ năng hàn lâm (cái họ yếu) mà coi trọng sự sáng tạo và tận tâm (cái người trẻ luôn đầy đủ) chính là sáng tạo các nội dung trên Internet, trở thành những influencer, bước đầu để trở thành các KOL.

“Nhưng với tôi, con đường bền vững là học để trở thành chuyên gia, trở thành người xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó trước khi trở thành một KOL. Khi đó, những kiến thức và những điều bạn chia sẻ có độ tin cậy và đảm bảo giá trị khoa học, không gây hại cho cộng đồng.

Trở thành KOL, chúng ta phải bán cái chúng ta giỏi nhất chứ không phải bán cái chúng ta hoàn toàn mù mờ. Điều này sẽ dẫn đến những scandal tai hại như việc nhiều nghệ sỹ quảng bá thực phẩm chức năng giả hay dịch vụ sinh trắc vân tay ngụy khoa học để hướng nghiệp do thiếu hiểu biết”, chuyên gia Trần Thành Nam nói thêm.

Tổng kết lại, PGS.TS Trần Thành Nam khẳng định: “Để trở thành KOL bền vững, bạn cần liên tục cập nhật kiến thức từ các ngành và lĩnh vực khác, nâng cao năng lực công nghệ thông tin và truyền thông, năng lực tư duy phản biện và tinh thần sáng tạo đổi mới”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *