Influencer ảo phát triển rầm rộ nhờ vào công nghệ kỹ thuật số

Nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của các yếu tố công nghệ mà đặc biệt là AI (trí tuệ nhân tạo), các KOL hay Influencer ảo (những người ảo có tầm ảnh hưởng thật) hiện đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Influencer ảo vẫn phát triển rầm rộ nhờ vào công nghệ kỹ thuật số

Rozy có hơn 130.000 người dõi theo trên Instagram, nơi cô đăng những bức ảnh về những chuyến phiêu lưu tại nhiều quốc gia. Lối trang điểm và trang phục của cô ấy y như những người mẫu trên các sàn diễn thời trang cao cấp của thế giới.

Cô hát, nhảy và làm người mẫu – nhưng không có cái nào là thật!

Rozy là một “người mẫu ảo” có tầm ảnh hưởng ở Hàn Quốc, một Influencer đích thực và là một con người được kỹ thuật số thể hiện rất chân thực, đến nỗi cô ấy thường bị fan nhầm là người thật.

Một công ty có trụ sở tại Seoul đã tạo ra Rozy – một người đứng giữa thế giới thực và ảo. Cô ấy “có thể làm mọi thứ mà con người không thể, trong hình dạng giống con người nhất”, Sidus Studio X – nơi sáng tạo ra Rozy – cho biết trên trang web của mình.

Điều đó bao gồm việc tăng lợi nhuận cho công ty, trong thế giới quảng cáo và giải trí trị giá hàng tỷ đô la.

Rozy hát, nhảy và làm người mẫu – nhưng không có cái nào là thật, vì cô ấy là sản phẩm công nghệ kỹ thuật số của Sidus Studio X – Ảnh: Sidus Studio

Kể từ khi ra mắt vào năm 2020, Rozy đã nhận được các hợp đồng quảng cáo, trở thành người mẫu trên sàn diễn thời trang cao cấp ảo và thậm chí đã phát hành hai đĩa đơn.

Và cô không hề đơn độc giữa một ngành công nghiệp đang phát triển rầm rộ – Ngành công nghiệp của các Influencer ảo.

Ngành công nghiệp tạo “con người ảo” ở Hàn Quốc.

Ngành công nghiệp tạo ra những influencer ảo đang bùng nổ và cùng với nó là một nền kinh tế hoàn toàn mới, trong đó những người ảo có tầm ảnh hưởng không bao giờ già đi, không có tai tiếng và hoàn hảo về mặt kỹ thuật số – đã châm ngòi báo động ở một quốc gia luôn bị ám ảnh bởi các tiêu chuẩn về vẻ đẹp khó đạt được.

Những người ảo có tầm ảnh hưởng được hoạt động như thế nào? Công nghệ CGI (computer-generated imagery – hình ảnh do máy tính tạo ra) đằng sau Rozy không phải là mới.

CGI phổ biến khắp nơi trong ngành công nghiệp giải trí ngày nay, nơi các nhà sản xuất sử dụng nó để tạo ra các nhân vật phi thực tế trong các bộ phim, trò chơi máy tính và video âm nhạc.

Nhưng CGI chỉ mới được sử dụng gần đây để tạo ra những người ảo có tầm ảnh hưởng.

Đôi khi, Sidus Studio X dùng CGI tạo ra hình ảnh Rozy hoàn chỉnh, khi chuẩn bị show các hoạt động của cô ấy trên Instagram. Lần khác, công ty đặt “đầu của cô ấy” lên “cơ thể của một người mẫu thật” – khi cho cô ấy làm người mẫu quần áo.

Thương hiệu bán lẻ Lotte Home Shopping của Hàn Quốc cũng đã tạo ra người ảo có tầm ảnh hưởng – Lucy, có 78.000 người dõi theo trên Instagram – bằng phần mềm thường được sử dụng cho trò chơi điện tử.

Giống như hình ảnh những người nổi tiếng ngoài đời thực, những người ảo có tầm ảnh hưởng xây dựng lượng fan hâm mộ thông qua mạng xã hội, nơi họ đăng ảnh chụp nhanh về “cuộc sống” của mình và tương tác với người hâm mộ.

Trên Instagram, tài khoản Rozy cho biết cô đang “đi du lịch” đến Singapore và thưởng thức một ly rượu trên tầng 33, với hơn 3.000 lượt người thích, phần nhiều đều ngợi khen trang phục và vẻ đẹp của cô.

Các thế hệ cũ có thể coi việc tương tác với một người ảo (AI – trí tuệ nhân tạo) hơi kỳ quặc.

Nhưng các chuyên gia cho rằng những influencer ảo đã thu hút được sự chú ý với những người Hàn Quốc trẻ tuổi, những công dân kỹ thuật số đã dành phần lớn cuộc sống của họ trên mạng.

Lee Na-kyoung, 23 tuổi sống ở Incheon, bắt đầu dõi theo Rozy khoảng hai năm trước vì nghĩ rằng cô ấy là người thật. Rozy cũng dõi theo cô, đôi khi bình luận về các bài đăng của Lee, và một tình bạn ảo đã nảy nở giữa họ, tồn tại ngay cả sau khi Lee phát hiện ra sự thật.

Lee bộc lộ: “Chúng tôi giao tiếp như những người bạn và tôi cảm thấy thoải mái khi ở bên cô ấy – vì vậy tôi không coi cô ấy như một AI mà là một người bạn thực sự”. Lee nói thêm: “Tôi thích những câu trả lời của Rozy. Cô ấy xinh đến mức tôi không thể tin rằng cô ấy là một AI”.

Influencer ảo – Một ngành kinh doanh đầy tiềm năng.

Phương tiện truyền thông xã hội giúp những người ảo có tầm ảnh hưởng xây dựng đội ngũ người hâm mộ, và từ đó tiền đổ vào.

Ví dụ, Instagram của Rozy được trang bị nội dung dành cho nhà tài trợ, nơi cô ấy quảng cáo các sản phẩm thời trang và chăm sóc da.

Baik Seung-yup – Giám đốc điều hành của Sidus Studio X. tiết lộ: “Nhiều công ty lớn ở Hàn Quốc muốn sử dụng Rozy làm người mẫu. Năm nay, chỉ với Rozy, chúng tôi kỳ vọng sẽ dễ dàng đạt được lợi nhuận trị giá hơn hai tỷ won (khoảng 1,52 triệu USD)”.

Ông nói thêm rằng khi Rozy ngày càng nổi tiếng, công ty đã nhận được nhiều tài trợ hơn từ các thương hiệu xa xỉ như Chanel và Hermes, bao gồm các tạp chí và các công ty truyền thông khác. Quảng cáo của cô ấy đã xuất hiện trên truyền hình và thậm chí ở những không gian ngoại tuyến như biển quảng cáo và bên hông xe buýt.

Theo Lee Bo-hyun – Giám đốc bộ phận truyền thông của Lotte Home Shopping: Lotte kỳ vọng lợi nhuận tương tự trong năm nay sẽ đến từ Lucy, vì cô ấy đã nhận được lời mời quảng cáo từ các công ty tài chính và xây dựng.

Các chuyên gia trong ngành quảng cáo nhận định, các người mẫu ảo này đang thu hút sự chú ý của nhiều công ty vì hình ảnh các cô giúp các thương hiệu dễ tiếp cận người tiêu dùng trẻ tuổi. Khách hàng của Rozy bao gồm một công ty bảo hiểm nhân thọ và một ngân hàng – những công ty thường được coi là lỗi thời.

Baik tự hào nói: “Các công ty đó nói rằng hình ảnh của họ đã trở nên rất trẻ trung sau khi mời được Rozy. Sử dụng Rozy so với người mẫu ngoài đời thực có lợi hơn vì “ngôi sao mới” này có phí “bảo trì” thấp”.

Lotte và Sidus Studio X mất từ vài giờ đến vài ngày để tạo ra một hình ảnh mới cho “ngôi sao của họ” và từ hai ngày đến vài tuần cho một video quảng cáo.

Thời gian và công sức ít hơn nhiều so với việc sản xuất một phim quảng cáo có người thật – thường phải mất hàng tuần hoặc hàng tháng để tìm địa điểm và chuẩn bị hậu cần như ánh sáng, tóc và trang điểm, tạo kiểu, phục vụ và chỉnh sửa hậu kỳ.

Điều quan trọng hơn nữa là những người ảo có tầm ảnh hưởng không bao giờ già đi, không biết mệt mỏi hoặc tranh cãi.

Lee Bo-hyun cho biết Lotte đã quyết định chọn một người ảo sau khi xem xét cách tối đa hóa “những người dẫn chương trình”.

Lotte Home Shopping từng thuê người dẫn chương trình để quảng cáo sản phẩm trên TV và “tốn khá nhiều chi phí” và “sẽ có những thay đổi khi người mẫu thật già đi”, Lee Bo-hyun nói. Vì vậy, họ đã tạo ra Lucy, người “mãi mãi 29 tuổi”.

Lee Bo-hyun hào hứng so sánh: “Lucy không bị giới hạn về thời gian và không gian. Cô ấy có thể xuất hiện ở bất cứ đâu. Và không có vấn đề gì về đạo đức”.

Mối nguy khi người ảo ở Hàn Quốc thúc đẩy nhu cầu làm đẹp phi thực tế.

Hàn Quốc không phải là nơi duy nhất sản xuất những người ảo có tầm ảnh hưởng.

Trong số những influencer ảo nổi tiếng nhất thế giới là Lil Miquela, được những người đồng sáng lập một công ty khởi nghiệp công nghệ của Mỹ tạo ra, người đã quảng cáo cho nhiều thương hiệu bao gồm Calvin Klein và Prada, có hơn 3 triệu người dõi theo trên Instagram; Lu of Magalu, được một công ty bán lẻ Brazil tạo ra, có gần 6 triệu người dõi theo trên Instagram; và FNMeka, một rapper được công ty âm nhạc Factory New tạo ra, có hơn 10 triệu người dõi theo trên TikTok.

Nhưng theo Lee Eun-hee – Giáo sư tại khoa Khoa học Tiêu dùng của Trường ĐH Inha (Incheon, Hàn Quốc), có một sự khác biệt lớn giữa người ảo ở những quốc gia khác và Hàn Quốc: “Những người ảo có tầm ảnh hưởng ở các quốc gia khác có xu hướng phản ánh sự đa dạng về nguồn gốc dân tộc và lý tưởng làm đẹp.

Con người ảo ở những nơi khác có tính độc đáo, trong khi những con người ảo ở Hàn Quốc luôn được làm cho đẹp và xinh xắn… Điều này phản ánh các giá trị được coi trọng của mỗi quốc gia”.

Và ở Hàn Quốc – nơi được mệnh danh là “thủ đô phẫu thuật thẩm mỹ của thế giới” với ngành công nghiệp trị giá 10,7 tỷ USD đang bùng nổ, có ý kiến lo ngại rằng những người ảo có tầm ảnh hưởng sẽ tiếp tục thúc đẩy các tiêu chuẩn làm đẹp phi thực tế.

Những người trẻ tuổi Hàn Quốc đã bắt đầu chống lại những ý tưởng này trong những năm gần đây, châm ngòi cho một phong trào được mệnh danh là “thoát khỏi áo nịt ngực” hồi năm 2018.

Nhưng những ý tưởng về vẻ đẹp ở Hàn Quốc vẫn còn rất hạn hẹp, khi tiêu chuẩn đẹp đối với phụ nữ phải là dáng người nhỏ nhắn với đôi mắt to, khuôn mặt nhỏ và làn da trắng không tỳ vết.

Và những tiêu chuẩn về vẻ đẹp này đã được thể hiện với các influencer ảo, khi Lucy có làn da đẹp hoàn hảo, mái tóc dài bóng mượt, quai hàm thon và chiếc mũi cao.

Còn Rozy có đôi môi đầy đặn, đôi chân dài miên man và phần bụng phẳng lì lộ ra bên dưới chiếc áo crop-top.

Giáo sư Lee Eun-hee cảnh báo những người ảo có tầm ảnh hưởng như Rozy và Lucy có thể khiến các tiêu chuẩn sắc đẹp vốn đã khắt khe của Hàn Quốc trở nên khó đạt hơn nữa, làm gia tăng thêm nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ hoặc tiêu dùng các loại mỹ phẩm làm đẹp ở nhiều phụ nữ đang tìm cách bắt chước họ.

Bà lo ngại: “Điều nguy hiểm là khi phụ nữ bắt chước giống họ, và đàn ông muốn hẹn hò với những người có ngoại hình tương tự”.

Tất nhiên, những công ty tạo ra Rozy và Lucy bác bỏ những lời chỉ trích như vậy.

Đại diện của Lotte, Lee Bo-hyun cho biết họ đã cố gắng tạo Lucy không chỉ là một “hình ảnh xinh đẹp” bằng cách xây dựng một cốt truyện cho cuộc đời Lucy và tạo ra cá tính cho cô ấy. Lucy “học” thiết kế công nghiệp và “làm việc” trong lĩnh vực thiết kế xe hơi.

Cô ấy “thổ lộ” về công việc và sở thích của mình, chẳng hạn như tình yêu với động vật và “kimbap – cơm cuộn rong biển”.

Theo cách này, “Lucy đang phấn đấu để có một ảnh hưởng tốt trong xã hội”, Lee giải thích và biện minh: “Cô ấy đang đưa ra thông điệp cho công chúng, rằng ‘hãy làm những gì bạn muốn làm theo niềm tin của mình”.

Giám đốc điều hành Sidus Studio X cho biết Rozy không phải là thứ “gọi là xinh đẹp” và công ty đã cố tình làm cho vẻ ngoài của cô trở nên độc đáo và khác với các tiêu chuẩn truyền thống của Hàn Quốc. Baik nói trong khi chỉ vào những đốm tàn nhang trên má và đôi mắt mở to của Rozy.

Ông còn biện luận: “Rozy cho mọi người thấy tầm quan trọng của sự tự tin bên trong. Có những người ảo khác rất xinh đẹp… Nhưng chúng tôi đã tạo ra Rozy để chứng tỏ rằng bạn vẫn có thể xinh đẹp ngay cả khi không có khuôn mặt đúng chuẩn”.

Mặt tiêu cực của công nghệ kỹ thuật số.

Nhưng mối quan tâm vượt ra ngoài tiêu chuẩn vẻ đẹp của Hàn Quốc.

Ở những nơi khác trên thế giới đang có tranh luận về đạo đức của việc marketing sản phẩm cho người tiêu dùng bằng các mô hình không phải là con người, cũng như nguy cơ chiếm đoạt văn hóa khi tạo ra những người ảo có ảnh hưởng thuộc các sắc tộc khác nhau – được một số người gọi tên là “mặt tiêu cực của công nghệ kỹ thuật số”.

Meta – công ty mẹ của Facebook và Instagram, đã tạo ra hơn 200 người ảo có tầm ảnh hưởng trên nền tảng của mình và đã thừa nhận những rủi ro.

Công ty cho biết trong một bài đăng trên blog: “Giống như bất kỳ công nghệ đột phá nào, phương tiện truyền thông tổng hợp có khả năng gây hại lẫn lợi.

Để giúp các thương hiệu điều hướng các vấn đề đạo đức của phương tiện mới nổi này và tránh những nguy cơ tiềm ẩn, (Meta) đang làm việc với các đối tác để phát triển một khuôn khổ đạo đức hướng dẫn việc sử dụng những người ảo có tầm ảnh hưởng”.

Nhưng có một điều rõ ràng: ngành công nghiệp kỹ thuật số cần phải tồn tại. Khi sự quan tâm đến thế giới kỹ thuật số bùng nổ – từ công nghệ siêu thực tế ảo đến tiền tệ kỹ thuật số, các công ty cho rằng những người ảo có tầm ảnh hưởng sẽ là xu hướng tất yếu tiếp theo.

Lotte đang muốn chuyển Lucy từ quảng cáo sang giải trí, có lẽ bằng cách cho Lucy xuất hiện trong một bộ phim truyền hình. Công ty cũng đang nghiên cứu tạo ra một con người ảo sẽ thu hút tầng lớp mua sắm ở độ tuổi 40 – 60.

Sidus Studio X cũng có tham vọng lớn: Rozy sẽ ra mắt thương hiệu mỹ phẩm của riêng mình vào tháng 8 và công ty còn hy vọng sẽ tạo ra bộ ba nhạc pop ảo để chiếm lĩnh các bảng xếp hạng âm nhạc.

Baik chỉ ra rằng hầu hết người hâm mộ hiện nay không gặp trực tiếp những người nổi tiếng thực sự mà chỉ nhìn thấy họ trên màn hình. Vì vậy, ông ngụy biện: “Con người ảo và những người nổi tiếng ngoài đời thực mà họ thích không có sự khác biệt lớn”.

Baik còn biện hộ: “Chúng tôi muốn thay đổi nhận thức về cách mọi người nghĩ về người ảo hay các influencer ảo.

Những gì chúng tôi làm không phải là lấy đi công việc của mọi người, mà là làm những việc mà con người không thể làm, chẳng hạn như tạo ra người ảo làm việc suốt 24 giờ hoặc tạo ra những nội dung độc đáo như cho người ảo đi dạo trên bầu trời”.

Marketing Trip

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *