Lao động mất việc, thu nhập bị giảm khiến Lễ độc thân năm nay sắp thành mùa “ế hàng”.
Hãng tin CNN cho hay nền kinh tế khó khăn đang khiến những mùa lễ hội mua sắm trực tuyến trở nên kém hấp dẫn hơn tại Trung Quốc, bất chấp các nền tảng thương mại điện tử giảm giá sập sàn.
Ngày Lễ độc thân 11-11 năm nay, vốn được cổ xúy bởi Alibaba từ năm 2009 và dần trở thành ngày lễ mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, đang trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết. Tuần lễ này từng có doanh số cao hơn cả ngày “Thứ 6 đen tối” (Black Friday) hay “Thứ 2 công nghệ” (Cyber Monday) nhưng giờ đây lại chẳng khiến người tiêu dùng muốn móc túi chi tiêu nữa.
Những ngày qua, hàng loạt các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Alibaba, JD hay Pinduoduo đã đua nhau giảm giá sập sàn với vô số quảng cáo bắt tai, nhưng kết quả là doanh số vẫn ảm đạm.
Chuyên gia phân tích Alicia Yap của Citigroup cho hay cũng tương tự như mọi năm, các nền tảng TMĐT vẫn tiếp tục cạnh tranh giảm giá.
Thế nhưng trái với không khí sôi động, háo hức của người tiêu dùng hàng năm thì Citigroup nhận định thị trường sẽ khá ảm đạm khi nền kinh tế khó khăn khiến sức cầu yếu còn người dân thì cẩn trọng chi tiêu hơn.
Tập đoàn Alibaba, chủ sở hữu nền tảng Taobao và Tmall cho biết họ sẽ giảm giá hơn 80 triệu sản phẩm xuống mức thấp nhất năm nay tại mùa Lễ độc thân này nhằm kích thích doanh số, nhưng phản ứng của thị trường lại chẳng mấy tích cực.
Tương tự, JD cũng giảm đến 50% các hàng hóa điện tử, đồng thời chào bán nhiều mặt hàng “hot” chỉ với giá 1 Nhân dân tệ, tương đương 0,14 USD nhằm thu hút người tiêu dùng nhưng cũng không kích thích được thị trường.
Theo CNN, mùa Lễ độc thân năm nay là đợt lễ mua sắm trực tuyến lớn đầu tiên của Trung Quốc kể từ khi chính thức dỡ bỏ các lệnh giới hạn hậu đại dịch từ tháng 12/2022.
Bởi vậy chính quyền Bắc Kinh đã kỳ vọng sẽ thúc đẩy được nhu cầu tiêu dùng trong nước để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh xuất khẩu chịu ảnh hưởng còn thị trường bất động sản gặp khó.
Thế nhưng việc tỷ lệ lao động trẻ thất nghiệp cao cùng tình hình khó khăn của kinh tế vĩ mô khiến nhiều người hạn chế chi tiêu, qua đó buộc các sàn TMĐT phải dùng mọi chiêu trò để kích cầu.
Mùa ế hàng
Hãng tin CNN nhận định giới trung lưu tại nền kinh tế lớn thứ 2 Trung Quốc đang có một năm chẳng hề dễ dàng.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ Trung Quốc đã lên mức cao kỷ lục 21,3% vào tháng 6/2023 trước khi chính phủ ngừng công bố số liệu này. Mức lương bình quân cũng giảm tốc tăng trưởng, qua đó làm giảm lượng thu nhập trung bình khả dụng của người dân.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh số bán lẻ chỉ tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, một con số thấp hơn rất nhiều so với thời điểm trước đại dịch. Đó là chưa kể thị trường bán lẻ Trung Quốc năm 2022 vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.
“Thị trường tiêu dùng đang chịu ảnh hưởng bởi giảm tốc tăng trưởng thu nhập hộ gia đình cũng như xói mòn niềm tin vào nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế trưởng Louis Kujis tại Châu Á của S&P Global Ratings nhận định.
Tình hình thị trường bất động sản khó khăn, nơi 70% tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc đặt cược vào càng làm xói mòn nhu cầu tiêu dùng của người dân.
“Với tình hình bất động sản hiện nay thì sẽ cần thời gian để người tiêu dùng lấy lại được niềm tin cho chi tiêu”, chuyên gia Kujis nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, nhà sáng lập Jacob Cooke của WPIC Marketing nhận định dù các sàn TMĐT có cạnh tranh nhau giảm giá sập sàn thì vẫn không chắc liệu có thu hút nổi người tiêu dùng hiện nay hay không.
Báo cáo của Bain mới được công bố cho thấy hơn 2/3 số người được hỏi sẽ giảm chi tiêu trong ngày Lễ độc thân năm nay.
“Chỉ có 53% số người được hỏi cho biết họ thực sự phấn khích với ngày Lễ độc thân năm nay, kém xa so với 76% của năm 2021”, báo cáo của Bain nêu rõ.
Trong khi đó, báo cáo của WPIC thì cho thấy người tiêu dùng chủ yếu giảm chi tiêu cho các mặt hàng như thực phẩm, ăn uống, đồ gia dụng…
Trên mạng xã hội Trung Quốc, hashtag (#) “giảm chi tiêu” hay những câu như “Nếu tôi không mua sắm thì có thể tiết kiệm 100%” lan truyền ở khắp các diễn đàn.
“Tôi đã từng tiêu đến 250.000 Nhân dân tệ (34.300 USD) yteen Pinduoduo năm ngoái, nhưng năm nay chỉ chi 80.000 Nhân dân tệ”, một người dùng trên mạng xã hội cho hay, đồng thời cho biết cô chưa tốn một đồng nào trong mùa Lễ độc thân năm nay.
Nhà sáng lập Cooke của WPIC cho biết thêm rằng việc các nền tảng TMĐT liên tục giảm giá qua nhiều mùa Lễ độc thân khiến sức hút của chúng với người tiêu dùng cũng giảm đi so với trước đây.
Dồn tiền cho sức khỏe
Cũng theo nhà sáng lập Cooke của WPIC, không phải mặt hàng nào cũng bị cắt giảm chi tiêu. Người tiêu dùng hiện nay có xu hướng tập trung hơn cho những sản phẩm liên quan đến sức khỏe hay các trải nghiệm cuộc sống thay vì những món đồ đem lại ít giá trị.
Ví dụ những mảng như thuốc bổ, vitamin, thú cưng, đồ thể thao hay thậm chí là hàng xa xỉ vẫn tăng trưởng rất tốt thời gian qua.
“Người tiêu dùng đang dần nâng cấp thói quen mua sắm của mình”, nhà sáng lập Cooke cho hay.
Một ví dụ điển hình là Nike, thương hiệu được định hình là hàng đắt tiền ở Trung Quốc, đã có một quý III kinh doanh đầy lợi nhuận.
“Tinh thần thể thao đã trở lại với người Trung Quốc, bạn có thể nhận thấy rõ điều đó”, CEO John Donahoe của Nike tự hào tuyên bố trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2023.
Tương tự, hãng thời trang yoga Lululemon cũng báo cáo mức tăng trưởng doanh số 61% trong quý II ở Trung Quốc, cao hơn nhiều so với mức tăng 18% trên toàn cầu của tập đoàn. Chuỗi cà phê Starbucks cũng công bố doanh thu kỷ lục trong quý III tại thị trường 1,4 tỷ dân này.
Nguồn: cafebiz.vn