Những thông tin tuyển dụng hấp dẫn không khó bắt gặp trên các trang mạng xã hội nhưng rất có thể đó là vỏ bọc của thủ đoạn lừa đảo tuyển dụng.
Một bài đăng trên một Fanpage có tên “Lồng tiếng tự do” có thông tin: Thù lao từ 200.000 đến 500.000 đồng 1 trang tuỳ thể loại, thậm chí có thể lên tới 800.000 – 1,2 triệu đồng nếu có giọng nói hay.
Ngay khi kết nối với trang tin trên, một người phụ nữ đã cảm thấy tin tưởng khi chỉ cần gửi bài thu âm thử giọng đã được nhận về 20.000 đồng trong tài khoản. Nhưng sau đó chị đã bị mất cảnh giác khi các đối tượng yêu cầu làm các công việc tiếp theo, không hề liên quan đến vị trí tuyển dụng.
Nạn nhân bị lừa đảo tuyển dụng việc làm trực tuyến cho biết: “Khi thu âm xong, tôi gửi đi 3 – 4 phút, hệ thống xác nhận là bắn tiền luôn, nhanh hơn cả nhân viên ngân hàng. Sau đó công việc tiếp theo của tôi khác hoàn toàn đó là mua thiết bị âm thanh của một trang gọi là musictool. Tôi chỉ chuyển cho họ tiền, sau đó họ bắn lại tiền cho mình và nhận hoa hồng, không phải mua thật đâu”.
Vậy là chỉ có duy nhất công việc đầu tiên của người phụ nữ trên là liên quan đến thu âm, lồng tiếng. Các công việc tiếp theo, ứng viên sẽ phải làm nhiệm vụ tăng tương tác cho một kênh bán hàng bằng cách lần lượt nhận đường link của một sản phẩm với mức giá tăng dần, sau đó chuyển số tiền tương ứng vào một tài khoản được chỉ định.
Khi nạn nhân hoàn thành sẽ lập tức được hoàn lại tiền gốc và lãi từ 450.000 đồng đến 1.700.000 – 1.800.000 đồng. Các nhiệm vụ diễn ra liên tiếp, nhanh chóng khiến nạn nhân có tâm lý kiếm tiền không khó và sẵn sàng trở thành cộng tác viên chuyển tiền trực tuyến.
Bằng mọi thủ đoạn để câu kéo người dùng mạng với điểm đầu là những bài đăng thông tin tuyển dụng việc làm trực tuyến nhưng điểm cuối của các đối tượng lừa đảo là biến nạn nhân trở thành những cộng tác viên chuyển tiền trực tuyến. Các đối tượng gọi đây là nhiệm vụ khi hoàn thành sẽ được nhận lại tiền gốc và khoản lãi 10% – 15%, tức gần như không cần làm gì cũng có tiền.
Thế nhưng, khi đến nhiệm vụ với số tiền đủ lớn, khi ứng viên chuyển tiền sẽ không còn được hoàn tiền với nhiều lý do đối tượng đưa ra. Cơ hội kiếm tiền đến một cách dễ dàng, nhanh chóng cũng biến mất với tốc độ tương tự. Với nhiều nạn nhân là vài ngày nhưng với người phụ nữ trên, số tiền bị chiếm đoạt chỉ trong một buổi tối.
Tiền ra khỏi tài khoản xác định là mất bởi ngay khi tương tác với bài đăng tuyển dụng trên các trang mạng xã hội, các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân kết nối qua Zalo rồi qua Telegram, tất cả chỉ qua tin nhắn. Khi người dùng nhận ra mình trở thành nạn nhân, các đối tượng cũng mất hút cùng số tiền chiếm đoạt được.
Gần 13.000 nạn nhân bị lừa đảo trực tuyến trong năm 2022
Với vỏ bọc là tuyển dụng việc làm trực tuyến, các đối tượng đã biến không ít người dùng trở thành nạn nhân của nạn lừa đảo. Theo Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ trong năm 2022, đơn vị đã ghi nhận gần 13.000 nạn nhân bị lừa đảo trực tuyến.
So với năm 2021, số cuộc lừa đảo trực tuyến, ước tính tăng tới 44%. Hai loại lừa đảo chính phải kể đến là lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân và lừa đảo tài chính, chiếm tới hơn 75%.
Thủ đoạn lừa đảo biến người dùng mạng xã hội trở thành những cộng tác viên chuyển tiền trực tuyến, sau đó chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân không mới.
Với rất nhiều vỏ bọc khác nhau như tuyển dụng việc làm, tuyển dụng mẫu nhí … nhưng thực chất, các đối tượng thường sẽ bằng nhiều cách, đánh vào tâm lý dễ dàng kiếm tiền trực tuyến của nạn nhân.
Theo VTV.vn