Cảnh báo chiêu lừa “cộng tác viên thu âm lồng tiếng online tại nhà”

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã và đang diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng (lừa đảo online) có chiều hướng gia tăng.

Nạn nhân chủ yếu là nữ giới

Theo ghi nhận chung, đối tượng bị lừa đảo online đa phần là nữ giới, chủ yếu là những phụ nữ ở nhà làm công việc nội trợ, không có việc làm ổn định, đang chăm con nhỏ… Nhóm đối tượng này thường nhẹ dạ, cả tin hoặc thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật, nên dễ dàng trở thành nạn nhân của các chiêu trò.

Mới đây, chị N.T.T.N ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đã phải “kêu cứu” khắp nơi. Chị N chua xót kể câu chuyện của mình: Đầu tháng 2/2023, do có nhu cầu làm thêm, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, chị đã lên mạng tìm hiểu thông tin. Qua đó, tiếp cận được thông tin tuyển “cộng tác viên thu âm lồng tiếng online tại nhà”. Nguồn tin này để lại số điện thoại, cho chị tiếp cận với một thành viên tự xưng là “tư vấn viên Mai Cúc”.

“Đối tượng “Mai Cúc” yêu cầu tôi thử giọng, sau đó yêu cầu tôi lập tài khoản Telegram, chuyển qua Telegram để trao đổi thông tin. Tại mạng Telegram, tôi được giới thiệu làm việc với một đối tượng có tên “Nguyễn Tiến Đạt”. Đối tượng Đạt trực tiếp hướng dẫn tôi vào cái gọi là “Vòng 1” của chiến dịch tuyển dụng/việc làm”, chị N chia sẻ.

Khi vào Vòng 1, các đối tượng lập cho chị N một “Hồ sơ tuyển dụng”, trong đó phần đơn vị tuyển dụng có ghi “Công ty TNHH Truyền thông Giải trí Sona Media”. Phía dưới “Hồ sơ tuyển dụng”, có in tên và logo của Công ty CP Prosound Việt Nam – một đơn vị cung cấp thiết bị âm thanh Karaoke, biểu diễn, bar, Clup… Tuy nhiên, con dấu và chữ ký của Công ty TNHH Truyền thông Giải trí Sona Media và Giám đốc công ty này “Nguyễn Thị Hương” có dấu hiệu giả mạo.

Yêu cầu của “Nguyễn Tiến Đạt” và một Điều phối viên xác nhận tên là “Thành” tại Vòng 1 này là chị N và các ứng viên khác (có khoảng 100 ứng viên) thực hiện 2 công việc: Một là thu âm các bài viết ngắn; hai là đẩy đơn hàng để tạo tương tác sản phẩm, nhằm quảng cáo cho nhà tài trợ. Các nạn nhân được tư vấn viên “Nguyễn Tiến Đạt” dẫn dụ bằng nhiệm vụ đẩy đơn hàng để tạo tương tác sản phẩm, lợi nhuận nhận được từ 10-15% trên giá trị sản phẩm, nhưng với điều kiện chúng phải nộp tiền trước (tương ứng giá trị sản phẩm) qua số tài khoản do đối tượng cung cấp.

Tại Vòng 1, vào ngày 2/2/2023, chị N.T.T.N đã thực hiện một số công việc liên quan đến thu âm, lồng tiếng. Với công việc này, ban đầu chị cảm thấy tin tưởng khi chỉ cần gửi bài thu âm đã được nhận về vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn đồng (số tiền chuyển đến cho chị N tới từ tài khoản mang tên “Phan Thanh Chung”).

Lời giới thiệu về công việc “thu âm lồng tiếng” dẫn dụ các nạn nhân vào vòng xoáy của chiêu trò lừa đảo.

Sau khi hoàn thành Vòng 1, chị N được các đối tượng thông báo được vào Vòng 2. Tại Vòng 2, nhiệm vụ của chị không còn liên quan đến thu âm, lồng tiếng nữa mà là đẩy đơn hàng để tạo tương tác sản phẩm cho “nhà tài trợ”: Công ty CP Prosound Việt Nam. Để đẩy đơn hàng, chị N bị yêu cầu chuyển khoản số tiền 5.490.000 đồng tới tài khoản mang tên “Ho Khai Hoan”, số tài khoản: 67910000595530 mở tại Ngân hàng BIDV vào lúc 14 giờ 08 phút 31 giây, ngày 3/2/2022; mã giao dịch FT23034960708806; hình thức chuyển: Chuyển nhanh Napas 247.

“Sau khi tôi chuyển số tiền 5.490.000 đồng thì không nhận lại được tiền đã chuyển và hoa hồng như trước đó. Các đối tượng đưa ra một “Thông báo khẩn cấp” cho biết “Hệ thống tất toán thất bại”, “tạm thời giam toàn bộ số tiền thành viên) với lý do soạn tin không đúng cú pháp… Các đối tượng yêu cầu tôi thực hiện các nhiệm vụ mới, “sửa lỗi”, rồi mới nhận lại được tiền. Do lo sợ mất số tiền gốc 5.490.000 đồng, tôi đã làm theo, thực hiện công việc số 5 (công việc số 5 yêu cầu thực hiện chuyển số tiền là 39.900.000 đồng)”, chị N cho biết.

Các thông báo mà kẻ xấu lấy cớ chị N.T.T.N chậm thực hiện nhiệm vụ hoặc có sai sót trong thao tác, không đạt yêu cầu điểm tín nhiệm… để tiếp tục yêu cầu nạn nhân chuyển số tiền lớn hơn mới được lấy toàn bộ tiền về.

Để có được số tiền 39.900.000 đồng, chị N đã phải vay mượn bạn bè, với mong muốn có thể khi hoàn thành nhiệm vụ số 5 sẽ được các đối tượng trả gốc và hoa hồng của cả 2 khoản: 39.900.000 đồng và 5.490.000 đồng. Tuy nhiên, khi thực hiện xong lệnh chuyển khoản 39.900.000 đồng vào ngày 4/2/2023 tới tài khoản mang tên “Ho Khai Hoan”, chị tiếp tục nhận được thông báo của các đối tượng cho rằng chị soạn tin không đúng cú pháp, điểm tín nhiệm thấp… để tiếp tục “tạm thời giam toàn bộ số tiền thành viên” của chị.

Các thông báo mà kẻ xấu lấy cớ chị N.T.T.N chậm thực hiện nhiệm vụ hoặc có sai sót trong thao tác, không đạt yêu cầu điểm tín nhiệm… để tiếp tục yêu cầu nạn nhân chuyển số tiền lớn hơn mới được lấy toàn bộ tiền về.

Bằng các biện pháp tâm lý, nhóm đối tượng yêu cầu chị N.T.T.N “khắc phục điểm tín nhiệm thấp” bằng cách chuyển khoản thêm số tiền là 51.375.490 đồng thì sẽ hoàn trả lại hết.

“Vừa hoang mang lo lắng, vừa rối trí, nên trong ngày 4/2/2023, tôi tiếp tục nghe theo sự dẫn dụ của nhóm đối tượng này, tiếp tục chuyển khoản số tiền 51.375.490 đồng tới tới tài khoản mang tên “Ho Khai Hoan”, số tài khoản: 67910000595530 mở tại Ngân hàng BIDV. Sau khi chuyển số tiền 51.375.490 đồng, các đối tượng thông báo cho tôi biết tổng số tiền gốc và hoa hồng (giao dịch lỗi) của tôi hiện giờ là 102.750.900 đồng. Số tiền này bị treo không lấy lại được”, chị N lo lắng chia sẻ.

Hồ sơ tuyển dụng do các đối tượng xấu lập cho chị N.T.T.N.

Chị N cho biết: “Khi tôi nói với điều phối viên tên “Thành” rằng khi tham gia công việc, tôi không được các điều phối viên, hướng dẫn viên thông báo về các gọi là “điểm tín nhiệm”. Tại sao bây giờ lấy đó là lý do không trả tiền gốc và hoa hồng cho tôi. Nếu không trả, tôi sẽ làm đơn ra cơ quan Công an và thực hiện các thủ tục khác để đòi tiền. Lúc này, các đối tượng lộ bản chất, thách thức tôi “mời các cơ quan pháp luật” vào cuộc. Đây cũng là lúc tôi nhận ra mình đã bị lừa, có nguy cơ mất trắng số tiền hơn 100 triệu đồng”.

Tỉnh giấc trong sự muộn màng

Từ những sự việc trên, sau khi bình tĩnh nhìn nhận toàn bộ sự việc, chị N nhận thấy hành vi của nhóm đối tượng là hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” vi phạm Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017, đồng thời có dấu hiệu vi phạm các tội hình sự khác. Do đó, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ngày 6/2/2023, chị đã viết và gửi đơn tố giác tội phạm, đơn đề nghị khởi tố đến các cơ quan chức năng như: Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an); Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm… để yêu cầu các cơ quan này: Điều tra, làm rõ nhân thân của nhóm đối tượng Mai Cúc, Nguyễn Tiến Đạt, Thành… Điều tra, làm rõ những đối tượng sử dụng số tài khoản mang tên “Ho Khai Hoan” và “Phan Thanh Chung”, bởi đây là nhóm đối tượng chắc chắn có liên quan tới việc lừa đảo này. Điều tra, làm rõ việc có hay không sự liên quan, sự “bắt tay ngầm” giữa nhóm đối tượng và các pháp nhân: Công ty TNHH Truyền thông Giải trí Sona Media, Công ty CP Prosound Việt Nam và buộc các đối tượng lừa đảo phải trả lại số tiền 102.750.900 đồng cho chị.

lua dao chuyen tien qua mang
lua dao chuyen tien qua mang
Các lệnh chuyển khoản mà chị N.T.T.N chuyển tới tài khoản mang tên “Ho Khai Hoan” theo yêu cầu của nhóm đối tượng.

Từ thực tế trường hợp của chị N.T.T.N, có thể thấy rằng chị em phụ nữ là những người dùng mạng xã hội hãy cảnh giác trước những lời chào mời việc làm online, hứa hẹn thu nhập cao mà không đòi hỏi kinh nghiệm hay kỹ năng. Bởi thực tế, kẻ xấu thường tiếp cận nạn nhân, giới thiệu công việc online chỉ cần bỏ một số tiền để “thực hiện nhiệm vụ”, sau đó sẽ được trả cả gốc và thêm lãi.

Vào thời điểm ban đầu, các “nhiệm vụ” có thể đơn giản, những kẻ lừa đảo sẽ nhanh chóng trả lại khoản tiền thực hiện “nhiệm vụ”, cộng thêm “hoa hồng” để tạo niềm tin. Nhưng rất nhanh sau đó, chúng sẽ yêu cầu nạn nhân thực hiện “nhiệm vụ” với số tiền lớn hơn, rồi lấy cớ “cộng tác viên” chậm thực hiện nhiệm vụ hoặc có sai sót trong thao tác, không đạt yêu cầu điểm tín nhiệm… Khi đó, những kẻ lừa đảo sẽ chiếm giữ số tiền này và tiếp tục yêu cầu nạn nhân chuyển số tiền lớn hơn để được lấy toàn bộ tiền về.

Cứ như thế, việc lừa đảo tiếp diễn theo những vòng tuần hoàn, cho đến khi nạn nhân phát hiện mình bị lừa hoặc không còn khả năng chi trả. Khi đó, kẻ xấu sẽ chặn toàn bộ liên lạc và biến mất. Mà kênh liên lạc chúng sử dụng thường là nền tảng gửi tin nhắn Telegram, có thể tự động xóa toàn bộ lịch sử từ cả 2 phía sau khi lừa đảo, không lưu lại bằng chứng và khó truy vết tài khoản.

Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cảnh báo của cơ quan công an, nhưng vẫn có người do thiếu hiểu biết đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ hình thức tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng ảo cho các sàn thương mại điện tử, gần đây nhất là “cộng tác viên thu âm lồng tiếng online tại nhà”. “Mồi nhử” mà bọn chúng đưa ra rất hấp dẫn kiểu “việc nhẹ, lương cao, được trả ngay theo ngày”. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng vẫn là chiếm đoạt số tiền mà nạn nhân đã phải bỏ ra để thực hiện nhiệm vụ.

Công an TP Hà Nội cũng đã tiếp nhận rất nhiều đơn tố cáo, đồng thời cũng đưa ra khuyến cáo, để chủ động phòng ngừa tội phạm, người dân cần cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về những thủ đoạn nêu trên, để tránh mắc bẫy của các đối tượng xấu. Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho các cơ quan chức năng, để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo https://phapluat.tuoitrethudo.com.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *