Vì sao livestream là công cụ 0 đồng nhưng giúp người bán thu về cả trăm đơn mỗi ngày?

Đã qua rồi thời chỉ cần đăng bài là bán được hàng trên mạng xã hội, livestream mới là xu hướng phổ biến hiện nay.

Livestream là gì?

Live stream là hình thức quay video phát trực tiếp trên các kênh mạng xã hội như Facebook, Youtube, Bigo Live,….

Trong hoạt động bán hàng của các shop online, người xem (khách hàng mục tiêu) sẽ tương tác với người bán bằng cách like, thả các biểu tượng cảm xúc và gửi các bình luận. Sau đó, người quay video sẽ đọc bình luận, trả lời và có thể chốt đơn hàng trực tiếp với khách hàng ngay tại thời điểm phát sóng.

Vì sao livestream dễ thu hút khách hàng?

Trong sự kiện bắt giữ kho hàng lậu rộng 10.000m2 diễn ra tại thành phố Lào Cai thời gian gần đây, vào thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 3 nhân viên được thuê để thay nhau livestream trên các tài khoản Facebook như Thảo Trần, Giầy đồng giá… Các nhân viên này bước đầu khai nhận ngày nào tối thiểu cũng chốt được 100-200 đơn hàng với hàng nghìn sản phẩm.

Khoan nói về tính pháp lý, có thể thấy hoạt động livestream đã được tận dụng hiệu quả để đẩy mạnh doanh thu. Livestream nhìn chung có 3 ưu điểm vượt trội sau:

1. Tăng tương tác với khách hàng mà không tốn thêm chi phí

Thông qua hình thức livestream, người bán sẽ dễ dàng tương tác với khách, giải thích khó khăn hay những câu hỏi của khách hàng ngay lập tức thay vì để khách ‘chờ dài cổ’ tin nhắn trả lời từ Fanpage/ Messenger.

So với hình thức bán hàng truyền thống, cần đầu tư không nhỏ để xây dựng cửa hàng, thuê nhân viên tư vấn,…livestream giúp người bán tiết kiệm chi phí mà hiệu quả đem lại cũng rất tốt. Theo thống kê, thông thường những cá nhân kém nổi tiếng có thể đạt vài nghìn lượt xem cho một buổi livestream bán hàng, riêng những người nổi tiếng có thể đạt được từ vài chục nghìn đến hơn trăm nghìn lượt xem. Khi khách hàng bỏ lỡ buổi phát sóng, họ vẫn có thể xem lại và nếu họ có câu hỏi trong quá trình này, cửa hàng vẫn có thể trả lời bình thường như các post bán hàng trên Facebook.

2. Tính chủ động cao

Nếu như các quảng cáo trên Facebook đôi khi bị cấm do nội dung không phù hợp và phải chờ đợi để được duyệt thì với livestream, bất cứ lúc nào cảm thấy phù hợp, người bán đều có thể bấm máy và thực hiện hoạt động bán hàng.

3. Đánh trúng tâm lý khách hàng

Tâm lí chung của người mua là muốn xem sản phẩm một cách chân thật, chi tiết nhưng lại ngại đi đến tận cửa hàng. Vậy nên việc ngồi nhà đặt hàng mà vẫn có thể xem hình ảnh thực tế 100% là lựa chọn đầy tiện lợi. Điều này live stream hoàn toàn có thể đáp ứng được trong khi với bài post thông thường, khách chỉ xem một góc của mặt hàng qua ảnh mà ảnh thì thường…rất ảo.

Cách livestream để chốt đơn hiệu quả

1. Post bài thông báo thời gian livestream lên Facebook

Hãy nhớ post bài ít nhất trước 1 ngày để khách hàng có thể chủ động sắp xếp thời gian. Trong bài post của mình cần nêu bật và nhấn mạnh lợi ích khách hàng sẽ nhận được khi xem livestream. Status đi kèm mang tính gợi mở gây sự tò mò cho khách hàng. Ví dụ: Chiều nay 3h shop sẽ livestream giới thiệu hàng mới về, nhanh tay mở hàng để nhận quà nhé.

Thời gian post bài: Đối với học sinh, sinh viên là 11h trưa hoặc 21h tối. Đối với dân văn phòng sẽ là 15-16h hoặc 20-21h tối.

2. Chuẩn bị thật kỹ càng trước khi livestream

Với những bạn livestream lần đầu hãy cài đặt điện thoại về chế độ video và tự quay mình trước khi livestream. Làm điều này có hai tác dụng: Bạn sẽ quen cảm giác trước máy quay khi vào livestream sẽ tự tin hơn. Thứ hai là bạn có thể xem lại các lỗi của mình để rút kinh nghiệm chuẩn bị cho livestream thật.

Với những người đã từng livestream, nên chuẩn bị 1 chiếc điện thoại và 1 chiếc máy tính ở bên cạnh để dễ dàng theo dõi những thắc mắc của khách hàng và kịp thời trả lời.

Để tránh tình trạng rung lắc, bạn nên trang bị thêm chân đế, thậm chí là micro để chất lượng video chuẩn nhất có thể. Ngoài ra, hãy chú ý vấn đề kết nối Internet. Cần đảm bảo kết nối tốt nhất tránh tình trạng ngắt đoạn livestream nhiều lần gây khó khăn cho khách hàng.

3. Chọn đầy đủ và kỹ càng sản phẩm trước khi livestream

Điều này sẽ tránh gián đoạn và khiến khách phải chờ bạn tìm hàng. Nếu bạn kinh doanh thời trang , hãy mang hết những mẫu bạn muốn giới thiệu, ủi thật phẳng và treo sẵn lên giá. Nếu bán đồ ăn, bạn có thể quay cả quá trình thực hiện và chú ý vào từng chi tiết về màu sắc, âm thanh,… sao cho món ăn thật hấp dẫn.

Người dẫn chương trình cần có giọng nói to, rõ ràng và luôn tươi cười để gây thiện cảm cho khách hàng. Thêm vào đó, hãy lên kịch bản chi tiết cho buổi livestream của mình để tránh va vấp. Chú ý note lại những đặc điểm chính của sản phẩm, tránh nói dài dòng.

4. Làm minigame, quà tặng trong livestream và kêu gọi khách hàng để lại thông tin liên hệ

Hãy tổ chức các minigame và kêu gọi khách hàng chia sẻ để tăng độ phủ sóng cho video livestream của bạn.

Đây là một chiêu giúp bạn mở rộng tệp khách hàng của mình và có cơ hội bán hàng cho những lần sau. Tuy nhiên, để tránh việc bị đối thủ cướp khách và bảo mật thông tin khách hàng, hãy ẩn ngay những bình luận có chứa thông tin của khách và cố gắng giữ liên lạc, tư vấn nhiệt tình.

5. Thời lượng livestream

Để 1 video livestream thực sự hiệu quả, chỉ nên livestream trong khoảng từ 30 – 60 phút.

Thời gian livestream hợp lý nhất: 20-23h. Lúc đó mọi người đã nghỉ ngơi, có thời gian lướt Facebook. Livestream vào các ngày nghỉ, ngày lễ có lượng tương tác ít hơn.

6. Chia sẻ livestream vào các group

Kêu gọi bạn bè và khách hàng like, share livestream, đặc biệt là vào các group để tăng độ phủ.

7. Luôn chú ý và phản hồi lại khách hàng

Trong quá trình livestream, hãy chú ý các thắc mắc của khách hàng, dành thời gian để đọc comment của khách và phản hồi càng sớm càng tốt.

Theo Trí Thức Trẻ

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *