VTV.vn – Các chuyên gia nhận định rằng, hiện tại là thời điểm vàng để các thương hiệu TP Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung tăng trưởng cũng như vươn ra chinh phục toàn cầu.
Diễn đàn Vietnam Brand Scale Up lần thứ nhất do Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh và Vietnam Brand Purpose phối hợp tổ chức thu hút nhiều chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nước cùng hơn 300 doanh nghiệp tham dự với chủ đề “Thương hiệu TP Hồ Chí Minh – Đổi mới và bền vững hướng ra thị trường quốc tế”.
Cần “đón” khách hàng chủ lực gen Z, tập trung phát triển vừa bền vững vừa đổi mới
Tham gia phiên tham luận, về câu chuyện phát triển thương hiệu tại TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Khối Kinh doanh Kantar Việt Nam (công ty chuyên gia về phân tích dữ liệu doanh nghiệp, khách hàng) tập trung phân tích về khía cạnh truyền thông của các doanh nghiệp đối với thị trường trong nước.
Kantar có thực hiện khảo sát 1000 người sống tại TP Hồ Chí Minh với 40% là khách hàng gen Z và 60% là người từ 28-60 tuổi, với nội dung khảo sát bao gồm: Tỷ lệ nhận biết thương hiệu, tỷ lệ sử dụng thương hiệu trong 6 tháng gần đây; Mức độ nhận biết thương hiệu đối với tiêu chí đổi mới và bền vững, trên 17 ngành hàng B2C, với 180 thương hiệu khác nhau, trong đó có hơn 50 thương hiệu vàng TP Hồ Chí Minh.
Kết quả, những ngành hàng có thương hiệu vàng lọt Top 3 là các ngành hàng thuộc lĩnh vực Thực phẩm tiện lợi, Gia vị, Thời trang – Trang sức, Hàng gia dụng và Văn phòng phẩm. Trong khi đó, các ngành hàng không có thương hiệu vàng lọt Top 5 là các ngành hàng về Sữa và các sản phẩm từ sữa, Mì gói, bánh kẹo, Các loại thức uống (không cồn + có cồn)… Một con số khác từ kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng các thương hiệu vàng của TP Hồ Chí Minh không đạt thứ hạng cao trong chỉ số thể hiện độ quan tâm đối với giới trẻ. Trong khi đó, tỷ lệ chuyển đổi từ sự quan tâm thương hiệu đến việc sử dụng sản phẩm chiếm tỷ trọng khoảng 40-60%.
Nói về sức khỏe của thương hiệu TP Hồ Chí Minh, bà Nga nhận định chỉ có khoảng 1/3 số thương hiệu vàng hiện có chỉ số tốt hơn trung bình ngành trong việc thu hút người tiêu dùng.
Theo bà Nga, để thương hiệu tăng trưởng, một trong những yếu tố chủ chốt là vấn đề về tăng sức mua. Đối với thị trường trong nước, bài toán với các doanh nghiệp là “Bền vững” và “Đổi mới”.
Bà Nga phân tích, khi một thương hiệu truyền thông về tính bền vững của sản phẩm, thì hiện tại chưa có sự chuyển đổi thực sự lớn từ việc khách hàng tin tưởng vào thương hiệu và chi tiền mua sắm. Rào cản lớn nhất để người tiêu dùng hành động vì môi trường, chính là khả năng tiếp cận của các sản phẩm thân thiện với môi trường, giá cả và mức độ hiệu quả mà sản phẩm đó mang lại. Cụ thể hơn, nhiều người dùng còn phàn nàn về việc sản phẩm đó khó có thể tìm thấy, giá thành còn thiếu tính cạnh tranh hoặc hiệu quả như quảng cáo khó được kiểm chứng.
Do đó, Giám đốc Kantar gợi ý những giải pháp về truyền thông cho các thương hiệu là cần đẩy mạnh truyền thông về nguồn gốc sản phẩm, quy trình sản xuất gắn với lợi ích cụ thể và “sát sườn” với người tiêu dùng, sẽ là yếu tố góp phần giúp thương hiệu thu hút người mua tốt hơn.
Trong khi đó, về khía cạnh đổi mới, những phân tích của Kantar chỉ ra rằng, chỉ số đổi mới của một thương hiệu và số lượng người sử dụng sản phẩm của thương hiệu đó phần lớn tỷ lệ thuận với nhau. Cụ thể, những người nghĩ rằng thương hiệu đổi mới, có tỷ lệ sử dụng sản phẩm cao hơn từ 3-4 lần so với nhóm người tiêu dùng còn lại.
Theo thống kê của Kantar, Thương hiệu vàng TP Hồ Chí Minh được tin dùng nhiều nhất với người trên 44 tuổi trong khi Việt Nam là nước có dân số trẻ, với 28% dân số thuộc Gen Z. Trong 5 năm tới, tất cả gen Z phần lớn sẽ ở trong độ tuổi lao động và có khả năng chi tiêu cao hơn. Nhưng đặc điểm của khách hàng gen Z là những người sinh trưởng trong thời đại kỹ thuật số, có khuynh hướng sử dụng nhiều thương hiệu khác nhau. Tỷ lệ chuyển đổi từ nhận biết thương hiệu sang sử dụng thương hiệu của gen Z cũng rất cao – tới 49% trong số đó con số này ở những độ tuổi lớn hơn chỉ ở vào khoảng 41%.
Như vậy, với đặc điểm của người tiêu dùng ưa chuộng sự thay đổi, đây sẽ là cơ hội cũng như thách thức cho các thương hiệu để làm sao bắt kịp xu thế, đón đầu xu hướng và giành lấy thị phần.
“Thời điểm vàng” để chinh phục thế giới
Tham gia diễn đàn, bài tham luận của ông Randolph Ng – Tổng Giám đốc Khách hàng mới Khu vực Asian Australia và Ấn Độ, Google châu Á Thái Bình Dương có đánh giá Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh có nhiều triển vọng để các thương hiệu phát triển trong năm 2024.
Ông Randolph lấy ví dụ, trong thời đại thương mại điện tử phát triển bùng nổ như hiện nay, theo thống kê cho thấy, có tới 1/2 người Mỹ ưa chuộng việc mua sắm toàn cầu hóa – có thể mua hàng từ bất cứ đâu trên thế giới, thông qua những trang thương mại điện tử uy tín. Trong khi đó, Mỹ lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, do đó, đây là thời điểm vàng “để thương hiệu TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, chinh phục khách hàng Mỹ”.
Thực tế đã chứng minh, có những thương hiệu Việt Nam đã và đang thành công trong lĩnh vực thương mại điện tử và “đánh chiếm” những thị trường lớn và khó tính bậc nhất thế giới. Ví dụ như Abera – thương hiệu tham gia sân chơi của “gã khổng lồ” Amazon khi còn non trẻ ngay chính mẫu quốc Việt Nam. Theo ông Đồng Thanh Sơn – Đồng sáng lập Abera, người Việt có khao khát khởi nghiệp lớn, thậm chí thuộc hàng nhất khu vực và được hưởng lợi từ sự phát triển thần tốc của công nghệ thông tin, vì vậy, chẳng có lý do nào để không “thừa thắng xông lên”.
Lược qua về Abera, đây là thương hiệu mỹ phẩm tập trung vào giải pháp hiệu suất cao cho từng khuyết điểm riêng biệt trên mặt và cơ thể. Ngay trong năm đầu ra mắt vào năm 2022, Abera đã “càn quét” mọi sàn thương mại điện tử Việt Nam và thu về doanh số đáng gờm. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ với thương hiệu này khi Abera quyết định “chinh phục” thị trường Mỹ thông qua Amazon.
Bước đi mạo hiểm nhưng táo bạo này đã giúp nhãn hàng bội thu về mặt doanh số chỉ sau một năm, đạt tới hàng triệu USD, tỷ lệ chuyển đổi khách hàng gấp 5 lần so với thị trường nội địa và số lượng đơn hàng thì tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm trước đó.
Những con số biết nói kể trên là minh chứng cho việc những sản phẩm Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin đủ uy tín, chất lượng để chinh phục cả thị trường lớn bậc nhất thế giới, khiến người tiêu dùng từ cách xa tới nửa vòng trái đất sẵn sàng chi tiền và trải nghiệm.
Theo thống kê năm 2022, Việt Nam xếp thứ 32 trong BXH thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới, tuy nhiên, dư địa để thăng hạng và phát triển vẫn còn rất nhiều. Bà Trần Tuệ Tri – tác giả cuốn sách “Thương hiệu Việt Nam – Thời khắc vàng”, Cố vấn Vietnam Brand Purpose cho hay Việt Nam có những cơ hội để vươn ra thế giới như: Bề dày tinh hoa di sản văn hóa dân tộc; Lượng kiều bào đông; Tài nguyên trong nước dồi dào; Thị trường quốc tế lớn; Hưởng lợi từ chiến lược kinh doanh quốc tế “Trung Quốc +1”; Thâm nhập thị trường dễ dàng hơn nhờ nền tảng công nghệ thông tin phát triển thần tốc; Lợi thế cạnh tranh về giá; Nguồn nhân lực dồi dào.
Nhiều khách mời, đại biểu tham gia diễn đàn chia sẻ quan điểm rằng, nếu có thể cải thiện những vấn đề như năng lực quản trị doanh nghiệp và thương hiệu, tối ưu quy mô doanh nghiệp, khả năng tiếp cận nguồn vốn hay vượt qua rào cản về cơ chế, thông tin và năng lực, thương hiệu Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng, hoàn toàn có thể “làm nên chuyện” trên thị trường toàn cầu rộng lớn, nhất là trong bối cảnh trái đất đang ngày một “phẳng” trong thời đại khoa học kỹ thuật như hiện nay.
Kết thúc Diễn đàn, bà Nguyễn Thanh Giang – CEO Vietnam Brand Purpose đã có tổng kết về tiềm năng, cơ hội, thách thức, và các bài học đi ra thị trường quốc tế của Thương hiệu Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, muốn tiến ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần chuẩn bị hành trang từ việc xây dựng thương hiệu mạnh đến triển khai chiến lược tiếp cận thị trường quốc tế bài bản cùng với các đối tác tư vấn chuyên nghiệp.
Diễn đàn Thương hiệu Vietnam Brand Scale Up: Thương hiệu TP Hồ Chí Minh – Đổi mới và bền vững hướng ra thị trường quốc tế
Nằm trong chuỗi hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp Thương hiệu Vàng TP Hồ Chí Minh, Diễn đàn Vietnam Brand Scale Up do Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh và Vietnam Brand Purpose phối hợp tổ chức được diễn ra vào 13h00 ngày 19/01/2024 tại khách sạn Grand Hotel Saigon nhằm mục đích ghi nhận các ý kiến đóng góp, thảo luận của các diễn giả, chuyên gia thương hiệu trong và ngoài nước. Từ đó tìm kiếm những giải pháp để nâng tầm thương hiệu sản phẩm dịch vụ TP Hồ Chí Minh, tạo lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Diễn đàn cũng là địa chỉ gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp đạt giải Thương hiệu Vàng TP Hồ Chí Minh nói riêng và các Doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nói chung, giúp lan tỏa những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp mình tới cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ “Đây không chỉ là một chủ đề quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng mà còn là mục tiêu cấp thiết mà TP Hồ Chí Minh hướng tới. Thành phố, doanh nghiệp và những người làm thương hiệu phải luôn là những người đi đầu, không ngừng đổi mới trong quản trị doanh nghiệp và phát triển thương hiệu, liên tục mở rộng quy mô đáp ứng không chỉ nhu cầu nội địa mà còn cả thị trường quốc tế.”
Diễn đàn năm nay có chủ đề “Thương hiệu TP Hồ Chí Minh – Đổi mới và bền vững hướng ra thị trường quốc tế ” thu hút nhiều chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nước cùng hơn 300 doanh nghiệp tham dự với 2 phiên chính gồm 7 bài tham luận và 1 toạ đàm.
Diễn đàn tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của tất cả doanh nghiệp cùng nguồn lực của các chuyên gia trong và ngoài nước, TP Hồ Chí Minh sẽ không chỉ là một trung tâm kinh tế của Việt Nam, mà còn là nơi tạo ra những thương hiệu uy tín, chất lượng và bền vững trên thị trường quốc tế. Điều này không chỉ đem lại sự phát triển cho TP Hồ Chí Minh mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới.