Thị trường livestream bán hàng tỷ USD của Trung Quốc

Trung Quốc đang khuyến khích livestream bán hàng để cứu kinh tế trong thời dịch nhưng chỉ 5-10% người tham gia có thể sống với nghề này.

8 tháng trước, nữ tiếp viên hàng không Meng Hu ở Quảng Châu thôi việc để theo đuổi giấc mơ trở thành một ngôi sao livestream. Quyết định này đã được cô đưa ra trước lúc Covid-19 làm tê liệt ngành hàng không. Meng Hu đã làm studio ngay trong căn hộ một phòng ngủ của mình và bắt đầu nói rất nhiều trước ông kính.

Năm nay 27 tuổi, Hu có sức ảnh hưởng lớn trên mạng. Từ đầu năm, cô làm việc toàn thời gian như một streamer trên Taobao, eBay. Hu đã xây dựng được mạng lưới 400.000 người theo dõi.

“Tôi đã nói không ngừng, khàn cả cổ họng. Công việc này yêu cầu tôi phải nói nhiều, không thể làm nửa chừng. Bởi khi nhiệt tình trò chuyện, bạn mới có thể khiến khán giả hào hứng”, Hu chia sẻ.

Meng Hu livestream bán hàng trên nền tảng của Taobao

Hu là phần trong thế hệ sáng tạo đang nổi lên ở Trung Quốc. Họ đua livestream bán hàng – ngành công nghiệp được ước tính có giá trị khoảng 66 tỷ USD. Dù xu hướng này đã là một phần trong văn hóa internet ở Trung Quốc vài năm, giới phân tích vẫn nhận định – đại dịch sẽ khiến nó phát triển hơn.

Thậm chí, chính quyền Trung Quốc cũng lên tiếng ủng hộ, gọi ngành công nghiệp này là “động lực mới” để tăng trưởng thương mại điện tử và khuyến khích livestream như một giải pháp trước tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng tại Trung Quốc vì dịch bệnh.

Livestream bán hàng là một hình thức kết hợp giải trí và thương mại điện tử. Người xem mua hàng hóa trực tuyến từ son cho đến bột giặt từ những người quảng cáo trên livestream. Nhiều người ví mô hình này như các kênh truyền hình bán hàng truyền thống nhưng nó rõ ràng hiện đại và dễ tương tác hơn. Streamer có thể tặng người xem voucher giảm giá và các ưu đãi lớn. Trong khi, người xem có thể click để tặng quà ảo cho các streamer được ưa thích.

Tuy nhiên, nghề này đã trở nên không dễ với Hu cũng như những streamer mới gia nhập. Rất ít người có thể kết hợp các kỹ năng để có một sự nghiệp thành công.

Theo chính phủ Trung Quốc, nửa đầu năm nay, hơn 10 triệu phiên livestream bán hàng đã được tổ chức. Hồi tháng 3.560 triệu người theo dõi các buổi livestream bán hàng ở nước này, tăng 126 triệu người so với tháng 6 năm ngoái, theo Trung tâm Thông tin mạng lưới Internet Trung Quốc. Hơn nửa số này đã sử dụng mua hàng trực tuyến qua livestream.

Sandy Shen, giám đốc nghiên cứu thương mại điện tử tại Gartner cho biết livestream bán hàng sẽ sẽ mất hai hoặc ba năm để trở thành một xu hướng lớn ở Trung Quốc trước đại dịch. Tuy nhiên, hiện tại, nó chỉ mất 2 hoặc 3 tháng.

Các chuyên gia dự báo ngành công nghiệp này vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Năm 2019, thị trường livestream bán hàng của Trung Quốc có giá trị khoảng 66 tỷ USD, theo iResearch. Đến hồi tháng 7, hãng nghiên cứu thị trường này dự báo, giá trị của nó có thể tăng gấp đôi lên 170 tỷ USD ngay trong năm nay.

Đồng thời, giới chuyên gia cũng cho rằng xu hướng này có thể tiếp tục ở các thị trường ngoài Trung Quốc. Ví dụ tại Đông Nam Á, Lazada cho phép livestream để giới thiệu hàng hóa. Amazon cũng có một trung tâm phát trực tuyến cho người dùng phương Tây.

Công việc livestram bán hàng hấp dẫn một phần bởi viễn cảnh thu nhập cao. Các thương hiệu thường xuyên công bố doanh thu hàng trăm triệu USD chỉ trong một phiên bán hàng. Những streamer hàng đầu có thể kiếm hàng triệu USD một năm, theo Taobao. Hãng thương mại điện tử này hàng năm đều công bố bảng xếp hạng những streammer được trả lương cao nhất và ước tính tổng thu nhập của họ.

“Nếu bạn chỉ bán hàng bình thường trên Taobao và sử dụng nhân viên của mình, không có tiếp thị trước, bán có thể chỉ có vài trăm người xem. Họ có thể cũng sẽ chỉ xem 5 hay 10 giây nếu không thấy thú vị”, Shen cho hay.

Với những người như Hu, sự bùng nổ của livestream bán hàng mang đến cả cơ hội và thách thức. Hu chia sẻ hiện làm một tháng có thể bằng số tiền kiếm được cả năm trước đây. Tuy nhiên, đổi lại cô mệt mỏi hơn. Hu dành 7 tiếng mỗi ngày để livestream giới thiệu sản phẩm, tung khuyến mại cho mọi thứ từ kỳ nghỉ cho đến sản phẩm dưỡng da. Sau đó, cô mất hàng giờ mỗi đêm để đọc về sản phẩm và lên kế hoạch bán.

“Mỗi ngày, tôi ngủ dậy, làm làm, làm việc, ăn, rồi lại làm việc và ngủ. Nó thật khó khăn”.

Theo Hu ước tính, hơn 20 người hỗ trợ công việc của cô trực tiếp hoặc gián tiếp. Đội ngũ này bao gồm một doanh nghiệp ở địa phương giúp cô chọn sản phẩm để quảng cáo, giảm giá thế nào và lên kế hoạch cho lịch livestream. Chồng Hu cũng giúp cô các việc vặt và thi thoảng xuất hiện trước máy quay.

Hu và đội ngũ của mình kiếm tiền nhờ 2 cách, gồm các doanh nghiệp trả tiền để quảng cáo sản phẩm và Hu nhận hoa hồng từ doanh số mỗi lần livestream. Theo báo cáo của iResearch, tỷ lệ hoa hồng thường từ 6 đến 16%.

Cũng như hầu hết quốc gia khác, Trung Quốc bị tác động mạnh bởi khủng hoảng kinh tế và việc làm năm nay, dù gần đây nước này đã có những dấu hiệu hồi phục. Để giúp người dân, chính quyền Trung Quốc đã nắm bắt xu hướng bằng cách khuyến khích người dân livestream bán hàng.

Ví dụ, hồi tháng 2, Bộ Thương mại Trung Quốc khuyến khích các nền tảng thương mại điện tử giúp nông dân bán sản phẩm trực tuyến, chủ yếu qua livestream.

Đến tháng 5, Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội đã bổ sung dẫn livestream vào danh sách những nghề được công nhận tại Trung Quốc. Theo truyền thông Trung Quốc, việc này có ý nghĩa sẽ giúp tạo ra “nhóm việc làm” mới để cân bằng những việc làm trong ngành sản xuất bị xóa sổ vì dịch bệnh.

Một số chính quyền địa phương cũng đang biến thị trấn của họ trở thành trung tâm livestream. Ở Quảng Châu, giới chức hy vọng biến thành phố này thành “thủ phủ livestrean”. Để hiện thực tham vọn gnayf, một lễ hội livestream bán hàng dài 3 ngày đã được tổ chức hồi tháng 6, với hơn 200.000 phiên phát trực tuyến.

Dù vậy, theo Xiaofeng Wang, nhà phân tích cấp cao tại Forrester, ảnh hưởng của lĩnh vực này đến kinh tế vẫn hạn chế. Bà lưu ý rằng bán hàng trên livestream vẫn chiếm tỷ lệ khoảng 5% trên tổng thị trường thương mại điện tử và rất nhỏ trong lĩnh vực bán lẻ.

“Tôi không nghĩ livestream thương mại điện sẽ cứu nền kinh tế”, Wang nói.

Iris Pang, kinh tế trưởng tại ING cho biết trong số 400.000 người livestream bán hàng trong các sự kiện Bộ Thương mại tổ chức nửa đầu năm, chỉ khoảng 5 – 10% thành công và sống được bằng nghề này.

Bà cho biết thật khó để dự báo bao nhiêu việc làm đã được bổ sung vì nhiều người làm việc trong lĩnh vực livestream không phải toàn thời gian. “Tôi nghĩ nó sẽ chỉ tăng số lượng việc làm lên một chút”, Pang nói.

Cựu tư vấn viên Seven Zhou ở Hồ Bắc bị công ty cho nghỉ không lương vì dịch bệnh hồi tháng 1. Anh đang cố gặp tạo dựng sự nghiệp livestream trên ứng dụng video ngắn Douyin, phiên bản Trung Quốc của TikTok. Cũng như Hu, Zhou quyết định nghỉ việc với hy vọng tạo nên thay đổi lớn.

Nhưng lúc này, Zhou chia sẻ anh nhận ra mục tiêu khó đạt được. Doutin yêu cầu bất kỳ ai muốn trở thành người bán hàng trên nền tảng này phải có ít nhất 1.000 người theo dõi. Tuy nhiên, anh thấy khó để để đặt được cột mốc này. Để tìm người xem, anh bắt đầu livestream 2 giờ mỗi ngày. Dù vậy, rất ít người xem kênh của Zhou. Các video của anh thất bại, hầu như không có lượt thích nào.

Sau 8 tháng, Zhou đang tự hỏi liệu mình có nên bỏ việc này không. Chàng trai 30 tuổi vẫn chưa có quyết định nhưng cho biết anh đã vỡ mộng với ngành công nghiệp này và tất cả câu chuyện thành công chỉ sau một đêm.

Theo vnexpress

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *