Ngôi sao bán 100 ôtô trong 4 phút: ‘Đây là cuộc chiến tàn nhẫn’

Khác với vẻ ngoài thú vị và hào nhoáng, KOL là nghề đòi hỏi sự sáng tạo liên tục. Họ luôn đối mặt với quy luật đào thải khắc nghiệt.

Với 20 triệu người theo dõi trên mạng xã hội, Becky Li được xem là KOL (tạm hiểu là người có sức ảnh hưởng, hiểu biết trong một lĩnh vực nào đó) có tên tuổi ở Trung Quốc. Thu nhập của cô phụ thuộc vào doanh số bán hàng.

Li từng gây bất ngờ khi bán được 100 chiếc ôtô trực tuyến trong vòng 4 phút, điều tưởng chừng chỉ có sao hạng A làm được.

Thông thường, các thương hiệu xa xỉ ở Trung Quốc cung cấp cho mỗi KOL liên kết sản phẩm, trang bán hàng để đính kèm vào bài đăng hoặc blog. Số lần nhấp và mua bán sẽ định mức KOL có giá đến mức nào, Li giải thích trong báo cáo của Bernstein Research công bố hồi tháng 2.

KOL là nghề tàn nhẫn?

KOL là nghề tàn nhẫn?

“Nghề tàn nhẫn”

“Cuộc cạnh tranh của các KOL là rất tàn nhẫn, nhưng thực tế”, Becky Li khẳng định.

Li tên thật là Fang Yimin. Cô từng là nhà báo của Southern Metropolis News suốt 12 năm trước khi chuyển sang làm blogger toàn thời gian vào năm 2015.

Vụ bán 100 chiếc Mini Cooper Countryman trong vòng 4 phút của Li nổi tiếng đến nỗi cô được mệnh danh là “nữ thần mua sắm” ở Trung Quốc. Ngôi sao có hơn 3 triệu người theo dõi trên Weibo làm việc với nhiều thương hiệu cao cấp, trong đó có Burberry, Giorgio Armani và Tiffany & Co.

Becky Li khẳng định KOL là nghề khá tàn nhẫn nhưng thực tế.

Becky Li được biết đến là cô gái chăm chỉ trong việc tư vấn cho phụ nữ Trung Quốc về thời trang, mỹ phẩm và đồ trang sức.

“Sau nhiều năm, tôi biết người hâm mộ của mình thích gì, cần gì và sẽ giúp họ tìm được sản phẩm mong muốn”, cô tự tin nói.

Becky Li cho biết cô là người có phong cách viết bài trái ngược so với đại bộ phận KOL ở Trung Quốc. Khác với xu hướng viết ngắn, những bài viết của Li có thể dài tới 5.000 chữ. Đây là điểm khác biệt giúp cô thành công nhanh chóng. Người hâm mộ của Li yêu thích bài đăng với nội dung sâu, có giá trị mà cô mang lại.

“Nếu muốn tiếp cận khách hàng có hiểu biết, kỹ lưỡng và có được sự tin tưởng lâu dài của họ, thương hiệu đó sẽ tiếp cận tôi. Đơn giản, nhiều nhãn hiệu đã tìm thấy khách hàng trung thành của họ thông qua các bài viết của tôi”, Becky Li tự tin nói.

Những người theo dõi trung thành của Li tràn ngập các cửa hàng trong thành phố. Thậm chí, thương hiệu xa xỉ Secoo, chi nhánh Bắc Kinh đã thực hiện chiến dịch kéo dài hai tuần mang tên Becky’s Choice lấy cảm hứng từ Li.

“Họ trang trí toàn bộ cửa hàng như tủ quần áo ở nhà của tôi. Trong nửa tháng, chi nhánh đạt doanh thu 20 triệu NDT (khoảng 3,1 triệu USD)”, Li chia sẻ.

Nhưng khá linh hoạt thời gian

Không giống KOL nổi tiếng ở phương Tây, Becky Li luôn được coi trọng về quyền riêng tư. Cô không phải chia sẻ chi tiết về cuộc sống của mình với người theo dõi.

“Tôi không tiết lộ gia đình mình hay đưa con trai trên mạng. Tuy nhiên, tôi sẽ chia sẻ kế hoạch, mục tiêu trong năm và cách tôi sẽ kiếm tiền. Từ đó, mọi người sẽ nhìn thấy cuộc sống, cách tôi suy nghĩ và ý tưởng của tôi”, Li nói.

Tuy cuộc sống KOL có nhiều “bạc bẽo và tàn nhẫn”, Becky Li vẫn khá thoải mái về cuộc sống hiện tại, ít nhất là cô không phải chật vật làm nghề tay chân nhưng vẫn đủ nuôi sống gia đình và thực hiện đam mê.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm báo và 5 năm hoạt động trong lĩnh vực KOL, Li tin rằng phụ nữ trẻ Trung Quốc có ba mục tiêu: kiếm tiền, trở nên xinh đẹp và yêu bản thân.

Từ đó, cô sử dụng thương hiệu Becky’s Fantasy của riêng mình, cùng với danh tiếng rộng rãi trên mạng xã hội để tác động đến xu hướng mua hàng của những phụ nữ trẻ đầy tham vọng. Điều này giúp Becky Li nắm giữ quyền lực khổng lồ tại thị trường Trung Quốc.

Theo tạp chí Jing Daily, vào năm 2020, Li thuê hơn 100 nhân viên để điều hành năm tài khoản, hai thương hiệu quần áo, một nền tảng thương mại điện tử và một hội thảo tự cải tiến để xây dựng đế chế riêng.

Nhiều người trẻ đánh đổi để theo đuổi con đường KOL.

Vốn là nhà báo của tờ Southern Metropolitan Daily, vào năm 2014, cô cảm nhận được sự chuyển hướng của việc tiếp cận thông tin – các tòa soạn truyền thống dần nhường thị phần cho mạng xã hội. Cô bắt đầu chuyển sang lĩnh vực tiếp thị trực tuyến và thành công như hiện tại.

Sau năm 2017, KOL và nhãn hàng bắt đầu thay đổi cách hợp tác. Các thương hiệu yêu cầu KOL thay mặt họ bán hàng. “Họ hợp tác để chúng tôi có thương hiệu đồng tên hoặc yêu cầu chúng tôi quay chiến dịch quảng cáo, sau đó sẽ có các yêu cầu đặc thù về sản xuất, doanh thu”, Li nói.

Tuy hợp tác với các thương hiệu cao cấp của phương Tây từ lâu, Li vẫn hy vọng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ có thương hiệu xa xỉ riêng.

“Trước đây, mỗi khi đề cập đến một thương hiệu ở Trung Quốc, người khác chỉ nghĩ về đồ giả, kém chất lượng. Điều đó ngày càng cải thiện, tôi mong chờ nhiều hơn trong tương lai”, “nữ thần mua sắm” nói với SCMP.

KOL chưa bao giờ là công việc dễ dàng

Theo Parklu, KOL luôn có cuộc sống dễ dàng, hào nhoáng với những bữa tiệc, quà tặng, người hâm mộ… là quan niệm sai lầm.

Trẻ em Mỹ khao khát trở thành vlogger nổi tiếng. Gen Z ở Trung Quốc dù tốt nghiệp đại học, vẫn muốn từ bỏ công việc văn phòng để trở thành streamer… nhưng họ không biết được góc khuất đằng sau.

Sự thành công của Becky Li chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhiều KOL phải làm việc cật lực, có khi làm việc trong nhiều năm vẫn không nhận về kết quả xứng đáng.

Không ai phủ nhận những thứ tuyệt vời mà KOL tận hưởng, nhưng đây nói chung vẫn là nghề khó khăn. Để trở thành KOL toàn thời gian hàng đầu, đòi hỏi người theo đuổi phải cống hiến, bền bỉ, sáng tạo và thực sự hiểu biết về kinh doanh.

Theo blogger Eve, cô dành gần như toàn bộ thời gian trong ngày cho người hâm mộ. Eve đọc và trả lời hết mọi bình luận trong bài viết của mình. “Tôi không đơn thuần xây dựng mối quan hệ mà muốn tìm hiểu xem khách hàng tương lai của tôi quan tâm điều gì. Tôi cũng dành cả ngày tìm hiểu các thương hiệu hàng đầu, KOL khác đang làm gì, nghĩ gì”, cô nói với Parklu.

KOL không hào nhoáng như vẻ bề ngoài.

Melilim Fu, người từng làm thợ trang điểm từ năm 16 tuổi, hiện tại có hai năm kinh nghiệm trong lĩnh vực KOL và livestream bán hàng, cho rằng sự hiểu biết là chìa khóa cho thành công.

“Người khác nghĩ rằng thời gian 2 năm để thành công với KOL là quá nhanh nhưng họ đâu biết rằng tôi có hơn 8 năm kinh nghiệm trong ngành mỹ phẩm và quen biết với nhiều thương hiệu lớn. Không phải thứ gì tự nhiên mà có”, Melilim Fu nói.

KOL với biệt danh 525 hiện tại có công việc toàn thời gian, đồng thời điều hành thương hiệu thời trang riêng cho biết cô từng dậy từ 2-3h sáng để viết bài, sau đó dậy lúc 6-7 sáng để bắt đầu công việc văn phòng, nuôi dưỡng đam mê. Đó là những góc khuất ít ai thấy được.

Nhiều người nổi tiếng trong ngành ở Trung Quốc cũng cho biết họ luôn tỏ ra thất vọng khi có người cho rằng công việc của KOL khá dễ dàng.

“Các KOL dành nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu các xu hướng liên tục thay đổi, nhất là trong thời đại kỹ thuật số. Việc thức khuya, dậy sớm chỉ để tương tác với người hâm mộ là điều thường thấy”, KOL Daisy Tea của Trung Quốc viết.

Blogger thời trang Bonnie lại cho rằng KOL bên ngoài nhìn thú vị, vui vẻ nhưng không thực sự hào nhoáng. Đôi khi họ không thực sự yêu thích khách hàng, công việc nhưng vẫn cố thực hiện, đó là điều mà ngành nghề nào cũng đối mặt.

Theo ZingNews

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *