Livestream phổ biến thế nào mà cứ lướt mạng xã hội là thấy?

Dưới góc nhìn về truyền thông, có thể thấy được ưu thế của loại hình livestream trong việc thu hút được số lượng người xem và mức độ tương tác là rất lớn so với các hình thức khác như bài đăng, hình ảnh và video. Hãy cùng tìm hiểu quá trình hình thành của livestream và những yếu tố giúp hình thức này mang tính lan truyền cao và “gây sốt” đến như vậy. 

Livestream là gì và lịch sử hình thành của nó như thế nào?

Livestream thực chất là từ viết tắt của livestreaming, có nghĩa là phát sóng trực tiếp. Đây là hình thức truyền tải hình ảnh và âm thanh thời gian thực về sự kiện, hoạt động cho đối tượng người xem không có mặt tại nơi diễn ra. 

Điểm khác biệt của livestream so với các kênh truyền hình và phim ảnh là mọi thứ được phát đến cho người xem mà không qua cắt ghép hoặc biên tập trước. Các hình thức livestream phổ biến hiện tại có thể kể đến như phát sóng trực tiếp trên truyền hình, phát sóng quá trình chơi game và livestream trên các nền tảng mạng xã hội. 

Vào tháng 6/ 1993, một nhóm nhạc với tên gọi là Severe Tire Damage, bao gồm nhiều nhà khoa học và kỹ sư máy tính thuộc công ty chuyên về công nghệ thông tin và phần cứng Xerox PARC tại California, đã thử nghiệm những công nghệ mới trong buổi biểu diễn của mình và thành công trong việc phát sóng cả hình ảnh lẫn âm thanh buổi diễn đến tận nước Úc. Sau đó, nhóm nhạc này vẫn tiếp tục phát sóng và biến đây trở thành tiền thân của livestream sau này. 

Công nghệ livestream về sau được nâng cấp bởi một công ty Internet là RealNetworks vào năm 1995. Họ đã phát triển công nghệ phát sóng đầu tiên của live streaming – RealPlayer. Công ty đã áp dụng công nghệ này vào trận đấu bóng chày giữa New York Yankees đối đầu với the Seattle Mariners và tận dụng sự thành công để ra mắt RealVideo, chương trình thương mại hóa video livestream đầu tiên vào năm 1997. 

Nhưng chỉ thật sự đến tháng 11/1999, livestreaming mới gây được ấn tượng lớn thông qua hội nghị trực tuyến đầu tiên The “Third Way Politics in the Information Age” (Hội nghị bàn luận về vấn đề chính trị trong kỷ nguyên số) do trường đại học George Washington tổ chức và có sự tham gia của cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton. 

Hội nghị được tổ chức với hình thức một cuộc tranh luận trực tuyến giữa tổng thống và người tham gia nói về những vấn đề khác nhau dựa trên những câu hỏi của hơn 50.000 người dùng trực tuyến gửi về, đánh dấu bước đầu để livestreaming phổ biến với người dùng Internet. 

Sự phát triển nhanh chóng của livestream 

Hàng loạt nền tảng nhanh chóng cập nhật tính năng livestream 

Sự phát triển nhanh chóng của livestream ngày nay có sự đóng góp không nhỏ của mạng xã hội chia sẻ video YouTube. Vào năm 2008, YouTube đã tổ chức một sự kiện livestream đầu tiên của mình với tên gọi YouTube Live, phát sóng trực tiếp màn trình diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng và nhà sáng tạo nội dung như Katy Perry, Smosh, MythBusters, Bo Burnham từ San Francisco đến Tokyo. 

Mặc dù mang lại nhiều thành công, YouTube vẫn chưa nhận ra được tiềm năng của nó mà chậm chân trong việc phổ biến livestream cho người dùng vào tay Twitch. Vào năm 2011, Twich.tv (trước đây là Justin.tv) ra mắt một nền tảng livestream trực tuyến dành riêng cho việc chơi game, mặc dù ý tưởng có vẻ không mang lại nhiều lợi nhuận vào thời điểm đó, chỉ trong vòng hai năm, Twitch đã có hơn 45 triệu người xem mỗi tháng. 

Thành công của Twitch là minh chứng hoàn hảo cho hiệu quả của livestreaming, góp phần thúc đẩy các nền tảng khác nhanh chóng phát triển tính năng này. Vào năm 2013, YouTube đã điều chỉnh lại chính sách và cho phép bất kỳ người dùng nào đều có thể livestream nội dung của họ. 

Tiếp theo vào năm 2014, các nhà sáng tạo nội dung có thể chia sẻ livestream của mình trên đa nền tảng nhờ vào Restream.io. Ít lâu sau, Twitter mua lại Periscope, ứng dụng cho phép phát livestream từ Android và iOS để nhảy vào cuộc chơi. 

Mặc dù hơi chậm chân, nhưng vào 2016, Facebook và Instagram đều cho ra mắt nền tảng livestream của mình và mở ra sự phát triển của việc livestream trên mạng xã hội ngày nay. 

Những con số về livestream thời điểm hiện tại 

Tính đến năm 2020, livestream đã có bước tăng trưởng đáng kể: tăng trưởng 99% giữa tháng tư năm 2019 đến tháng tư năm 2020 và được dự đoán có tổng doanh thu hơn 180 tỷ đô vào năm 2027. 

Nhiều nền tảng livestream mới xuất hiện giúp các nhà sáng tạo nội dung có thêm lựa chọn để phát sóng nội dung của mình, Twitch vẫn giữ vị trí là nền tảng livestream phổ biến nhất với hơn 9.3 tỷ giờ xem và 9.36 triệu streamer tính đến đầu năm 2021. 

Mặc dù vậy, Facebook cũng không kém cạnh khi số lượng người dùng tích cực ở quý 4 năm 2020 là 2.5 tỷ người, biến đây trở thành nền tảng livestream lớn nhất thế giới. 

Nhưng nếu xét về độ yêu thích, YouTube Live được đánh giá bởi 70% người dùng rằng họ ưu tiên lựa chọn nền tảng này để xem livestream.

Sự phổ biến của các nền tảng livestream đã giúp định hình khái niệm streamer (người chuyên livestream), tạo nên loại hình giải trí mới cho người xem, đặc biệt là người dùng trẻ tuổi có xu hướng dành nhiều thời gian trên Internet. Số lượng theo dõi lớn và thu nhập khổng lồ khiến cho việc livestream không chỉ dừng ở một sở thích mà còn là một công việc thực thụ. Một số cái tên streamer nổi bật phải kể đến ở Việt Nam như: ViusS, Pewpew, Cris Devil Gamer, Misthy, …

Yếu tố giúp livestream dễ dàng gây sốt và thu hút đến như vậy

Hiện tại, người dùng có thể dễ dàng bắt gặp hình thức livestream ở khắp trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, YouTube, Instagram cho đến các nền tảng chuyên dùng để livestream như Twitch hay Mixer với đa dạng các nội dung khác nhau từ làm đẹp, chơi game, ăn uống, talkshow, …

Người sử dụng livestream cũng đa dạng từ các doanh nghiệp lớn cho đến nhà sáng tạo nội dung, doanh nhân, người bán hàng và cả người dùng phổ thông do cách sử dụng đơn giản và độ tương tác cũng rất cao. Vậy yếu tố nào giúp livestream thu hút người xem đến như vậy?

Độ tương tác cực kỳ ấn tượng với người xem

Yếu tố khiến livestream trở nên thu hút là sự tương tác nó mang lại giữa người xem và nội dung đang được phát sóng. Trước đây nếu như những bài đăng và hình ảnh không truyền tải được cảm xúc đầy đủ thì livestream cho người xem cơ hội để tương tác trực tiếp với doanh nghiệp hoặc nhà sáng tạo nội dung, mang lại cho người xem có cảm giác đang tham gia một cuộc đối thoại trực tiếp. 

Người phát sóng cũng có thể làm gia tăng sự tương tác của buổi livestream bằng cách trả lời câu hỏi, tạo trò chơi trực tiếp, tham gia thử thách người xem đặt ra hay nhờ người xem chia sẻ livestream, … Tất cả tạo sự tương tác trực tiếp và ngay lập tức mà không thường thấy ở các bài đăng hình ảnh, văn bản hoặc video thông thường. 

Không những thế, sự tương tác giữa những người xem với nhau cũng làm buổi livestream trở nên “nóng” hơn bởi tính năng để lại bình luận. Người xem có thể tranh luận với nhau, trả lời các thắc mắc của người xem khác, tag bạn bè vào buổi phát sóng hoặc chia sẻ những bình luận hài hước trong buổi live… nhằm “giữ chân” người xem lại ở lâu hơn để xem những thông điệp mà thương hiệu hoặc nhà sáng tạo nội dung truyền tải

Tạo sự tin cậy với người xem

Việc xuất hiện trực tiếp trên livestream còn giúp cứ thương hiệu hay nhà sáng tạo củng cố sự tin tưởng hơn với người xem của mình. Thay vì sử dụng các quảng cáo với từ ngữ đề cao quá đà, một video livestream khiến người xem cảm nhận được độ chân thực với sản phẩm. 

Tháng 3/2019, hãng hàng không Southwest Airlines đã livestream quá trình xử lý sự cố thời tiết xấu từ trung tâm không lưu cho người dùng mạng xã hội có thể theo dõi được. Trong suốt quá trình livestream, nhân viên của hãng luôn giải thích rõ tình huống và các bước chi tiết để xử lý sự cố, điều này đã làm gia tăng sự tin tưởng của khách hàng dành cho Southwest Airlines với hơn 100 ngàn người xem trên Facebook Live. 

Sự chiến thắng của “Ông hoàng son môi” Trung Quốc Lý Giai Kỳ với tỷ phú Jack Ma trong cuộc thi bán son vào tháng 11/2018 cũng là một ví dụ trong việc livestream giúp gây dựng niềm tin của khách hàng. Lý Giai Kỳ trong ngày hôm đó đã đánh bại vị tỷ phú với doanh thu 145 triệu đô và thu hút hơn 36 triệu người xem. 

Bí quyết thành công của chàng blogger là luôn sử dụng trực tiếp son lên môi của mình để đánh giá màu sắc, độ mịn và đưa ra những lời khuyên phối son phù hợp với trang phục, giúp anh tạo được sự tin tưởng của người xem và nhanh chóng trở thành người livestream hàng đầu của Taobao.

Livestream cũng tương tự như một buổi biểu diễn trực tiếp 

Ngoài những yếu tố trên, livestream còn thu hút người dùng ở điểm giống với một buổi biểu diễn ngoài đời thực, như đặt người xem vào không gian thật rộng lớn và tương tác với nhiều người khác nhau. 

Các livestream của người nổi tiếng cũng tương tự như một buổi biểu diễn, nhất là trong tình hình dịch bệnh mà người dùng cần các các nhu cầu về giải trí và tương tác lẫn nhau. Tiêu biểu như buổi livestream của hoa hậu Khánh Vân trước đây thu hút hơn 131 ngàn người xem trên trang cá nhân của mình. 

Minh Hoàng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *