Livestream bán hàng đang là xu hướng sau tác động của Covid-19. Nhiều lớp học đào tạo livestream hút học viên. Các sàn thương mại điện tử cũng tăng cường hỗ trợ nhà bán hàng về cách thức bán hàng mới này trên môi trường trực tuyến.
Kết hợp bán trực tiếp và livestream
Trong khi nhiều khách đang “săn sale” khuyến mãi trực tiếp tại cửa hàng thì nữ nhân viên của một thương hiệu thời trang trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP.HCM) vẫn say sưa livestream chào bán quần áo.
“Đây là chiếc váy hot nhất bên em, đang giảm giá sâu. Không khí cửa hàng cũng đủ khiến mọi người thấy nhộn nhịp thế nào rồi phải không ạ. Các chị ưng ý mua hàng, cứ để lại lời nhắn bên dưới giúp em nhé”, nữ nhân viên nói liên tục trên sóng livestream của thương hiệu.
Nhiều thương hiệu thời trang tại TP.HCM đang tung các chương trình ưu đãi, giảm giá cho dịp lễ 30/4 – 1/5. Ngoài thu hút khách đến trực tiếp tại cửa hàng, các thương hiệu còn đẩy mạnh livestream để tận dụng một lượng lớn khách hàng sử dụng mạng xã hội.
Theo nữ nhân viên này, khách “chốt đơn” qua sóng livestream rất tốt. Nếu vào giai đoạn thấp điểm mua sắm trực tiếp, thì bán quần áo qua livestream hiệu quả hơn.
Nhu cầu bán hàng qua livestream trên các nền tảng mạng xã hội đang trở nên rất phố biến. Trên Facebook, không chỉ livestream trên trang cá nhân, hàng loạt hội nhóm livestream bán hàng cũng hoạt động rất sôi nổi. Số lượng đơn hàng thành công thông qua các livestream này không phải là nhỏ.
Trung Quốc được xem là nước thành công nhất trong cách thức kinh doanh kiểu mới này dựa vào sự phát triển của Internet và mạng xã hội. Thậm chí, nó được coi như một ngành công nghiệp trị giá hơn trăm tỷ USD.
Làn sóng này nhanh chóng lan rộng sang các nước, trong đó có Việt Nam. Một thống kê của Gostream cho thấy, hiện trung bình mỗi ngày tại Việt Nam có khoảng 70.000-80.000 phiên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Con số này có xu hướng tiếp tục tăng trưởng hơn nữa trong bối cảnh nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao.
Lớp học livestream đắt học viên
Sự bùng nổ của một hình thức mua sắm mới và cách thức bán hàng mới dẫn đến nhiều lớp học hướng dẫn về livestream đã ra đời.
Khảo sát của phóng viên cho thấy, các lớp học về livestream hiện nay tập trung đào tạo, hướng dẫn kỹ năng về livestream bán hàng, viết kịch bản cho nội dung livestream bán hàng, cách dựng một “trường quay” mini khi livestream bán hàng…
Ông Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình) – Chủ tịch Tập đoàn NextTech, nhà sáng lập Học viện Livestream NextOn cho rằng nền “kinh tế sờ soạng” (tức mua bán truyền thống trực tiếp tại cửa hàng) sẽ bị đe dọa bởi kinh tế không tiếp xúc và livestream đang là xu hướng.
Theo ông, livestream tại Việt Nam dù nhiều nhưng có xu hướng tự phát, chưa bài bản, nếu được đầu tư thì các streammer sẽ có kỹ năng, kỹ thuật chuyên nghiệp. Điều này giúp kinh doanh vừa hiệu quả vừa “nhân văn” trên môi trường trực tuyến.
“Các tiểu thương buôn bán nhỏ, cửa hàng nhỏ tìm đến các lớp học livestream của chúng tôi. Mỗi lớp học không quá đông, chỉ khoảng 10 người, chú trọng nhiều nhất là thực hành để sau khóa, học viên có thể tự tin livestream bán hàng”, bà Lê Thị Lệ Thu – Giám đốc Công ty Truyền thông Giải trí Sao Star cho biết.
Công ty của bà Thu tập trung đào tạo livestream tại khu vực TP.HCM. Dịch bệnh thúc đẩy bán hàng online tăng trưởng. Do đó, theo bà, doanh nghiệp bắt đầu tìm đến các lớp học livestream để việc bán hàng bài bản hơn, thu hút hơn.
Mới đây, bà Thu cũng trực tiếp tham gia hướng dẫn cho các cá nhân, đại diện các doanh nghiệp vừa và nhỏ livestream bán hàng hiệu quả. Chương trình do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức, để các hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm được một hình thức kinh doanh mới, đang dần là xu hướng của mua sắm trực tuyến.
“Nhu cầu học về livestream bán hàng sau các đợt dịch Covid-19 tăng rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp cũng tìm đến chúng tôi để được hỗ trợ về người mẫu livestream, khi thấy rằng livestream bán hàng đang rất hiệu quả”, bà Thu nói.
Livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử
Không chỉ trên mạng xã hội, livestream bán hàng cũng đang trở nên phổ biến trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee… Các sàn cũng cho rằng đây là xu hướng của mua sắm trong tương lai, bằng chứng là trong các đợt “siêu sale”, số lượng người tham gia các chương trình livestream rất đông.
Đợt “siêu sale” tháng 3 vừa qua của Shopee ghi nhận 7,5 triệu lượt xem livestream, hàng triệu người dùng kết nối với các nhà bán hàng, thương hiệu và người nổi tiếng thông qua hình thức mua sắm kết hợp giải trí, trò chơi trực tuyến.
Các sàn cũng đang đẩy mạnh việc đào tạo cho các nhà bán hàng trên sàn về kỹ livesream bán hàng hiệu quả. Đại diện Shopee cho biết doanh nghiệp liên tục xây dựng và cập nhật nhiều chương trình hỗ trợ trên đa dạng các kênh cho nhà bán hàng.
Các khóa được sàn này tập trung cho nhà bán hàng là đào tạo từ cơ bản – trung cấp – nâng cao với nhiều dạng thức phong phú như video ngắn, lớp học trực tuyến, livestream từ chuyên viên đào tạo kết hợp cùng những nhà bán hàng kinh nghiệm.
Một báo cáo về hành vi người mua sắm trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á do Milieu Insight thực hiện, chỉ ra rằng 81% người được hỏi cho rằng mua sắm trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của họ, cũng như tỷ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần đạt mức 59%.
“Thương mại điện tử đã thay đổi gần như toàn diện cách mọi người kinh doanh, mua sắm, giải trí trong thập kỷ qua, đặc biệt là trong 2 năm vừa rồi khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ”, ông James Chang – Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Lazada, khẳng định.
Nguồn : danviet