Thành phố Thâm Quyến vừa công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm livestream bán hàng điện tử mới mang quy mô toàn cầu, theo SCMP. Dự án được kỳ vọng có thể kích cầu tiêu dùng và thu về 300 tỷ nhân dân tệ (43,7 tỷ USD) doanh thu vào năm 2025.
Một thành phố tại Trung Quốc sắp xây dựng một trung tâm livestream “all in one” với quy mô toàn cầu.
Cùng với mục tiêu mở rộng ngành công nghiệp bán hàng online thông qua livestream truyền phát trực tiếp, Thâm Quyến tham vọng tự xây dựng hoặc thu hút ít nhất 100 doanh nghiệp hàng đầu đến hợp tác trong 3 năm. 50 tòa nhà cũng được lên kế hoạch xây dựng để phục vụ “khu công nghiệp all in one”, tức tất cả trong một, từ thiết bị livestream, thiết kế bối cảnh, khu chỉnh sửa hậu kỳ…
Các doanh nghiệp bán quần áo, mỹ phẩm, trang sức hay các mặt hàng công nghệ là những bên được lợi lớn nhất từ chính sách hỗ trợ chuỗi cung ứng. Họ sẽ được hỗ trợ xây dựng địa điểm trưng bày, thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhà bán lẻ trực tuyến, đồng thời tối giản hoá quy trình vận chuyển, phân phối hàng hóa.
“Livestream bán hàng là một mô hình kinh doanh mới, song đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc khôi phục nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng”, Hiệp hội Thương mại thành phố Thâm Quyến cho biết.
Tính đến cuối tháng 11/2022, Thâm Quyến có khoảng 9.260 người dẫn chương trình livestream với doanh thu đạt 152 tỷ nhân dân tệ (22 tỷ USD) kể từ đầu năm, theo Shenzhen Economic Daily. Với dự án mới, thủ phủ này hy vọng kêu gọi được thêm 3.000 livestreamer và 10.000 nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp để mở rộng thị trường thương mại điện tử.
AI, idol ảo, metaverse được chính quyền địa phương hỗ trợ tích hợp để củng cố nền tảng thương mại điện tử. Quy định, điều luật cụ thể cũng được đưa ra để đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.
Trước đó, Cục Phát thanh Truyền hình, Bộ Du lịch – Văn hóa Trung Quốc đã ban hành bộ quy định quản lý những người livestream trên mạng như một giải pháp căn cơ quản lý lĩnh vực đang phát triển như vũ bão. Với 700 triệu người xem và tham gia live bán hàng, dạy học, biểu diễn…, ngành livestream có doanh số mỗi năm khoảng 30 tỷ USD.
Theo quy định, những người livestream phải đảm bảo nội dung phù hợp với định hướng chính trị, tuyên truyền công cộng, đảm bảo những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội. Đối với những lĩnh vực như y tế, tài chính, luật, giáo dục, người livestream phải có trình độ chuyên môn mới được truyền phát bán hàng. Trung Quốc cũng cấm phát những nội dung vi phạm pháp luật, trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, nhất là trẻ vị thành niên.
Động thái siết chặt giám sát chủ yếu đến từ sự tăng trưởng bùng nổ của lĩnh vực bán hàng livestream. Tháng 12/2021, “nữ hoàng livestream” Vi Á bị phạt 1,3 tỷ nhân dân tệ với cáo buộc trốn thuế từ năm 2019 đến năm 2020. Một số livestreamer khác cũng bị xét xử với cùng tội danh.
Cùng thời điểm, Ủy ban Bảo vệ Người tiêu dùng tỉnh Chiết Giang cho biết trong số 80 phiên livestream mà họ đã xem vào Ngày Độc thân, gần 40% sản phẩm do 17 gian hàng bán ra không đạt tiêu chuẩn. Trong đó, “ông hoàng son môi” Lý Giai Kỳ là một trong những người bị nêu tên.
“Không một lĩnh vực nào có thể phát triển bùng nổ mãi”, Mei Xiu, một nhà nghiên cứu của Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết. “Tuy nhiên, tôi không nghĩ sự kiểm soát từ chính phủ có thể bóp nghẹt lĩnh vực này. Xét cho cùng, bán hàng livestream giúp tạo ra việc làm, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Chính quyền địa phương đang đặt hy vọng vào đây để giúp người nghèo và phục hồi nền kinh tế sau dịch”.
Câu chuyện của Li Tianyu, 32 tuổi, một người dân tại tỉnh Cát Lâm, là ví dụ điển hình. Anh cho biết mình đã mất 3 năm để có được 130.000 người theo dõi trên Taobao sau lần livestream lần đầu tiên vào năm 2018.
“Lúc đầu, tôi hoàn toàn vô định. Tôi nói chuyện một mình trên sóng livestream ít nhất năm giờ mỗi ngày mà không ai nghe. Không có khách hàng, tôi thấy mình như đi trong bóng tối vậy. Tuy nhiên, tôi không bỏ cuộc. Tôi còn phải kiếm sống nữa”, anh nói trên SCMP.
Đến năm 2020, chính quyền địa phương hỗ trợ doanh nghiệp của Li bằng cách cử cán bộ đến làm người dẫn chương trình trong các phiên livestream của anh. Điều này đã giúp Li mở rộng mạng lưới nhà cung cấp và thúc đẩy kinh doanh.
“Livestream đã cứu tôi. Tôi nghĩ rằng các chủ cửa hàng nhỏ như tôi sẽ được hưởng lợi từ các biện pháp quản lý mới. Hy vọng môi trường cạnh tranh sẽ trở nên công bằng hơn”, Li nói.
Theo SCMP , người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ, rất thích tương tác với mạng xã hội, đồng thời hoan nghênh cơ hội để mua sắm tiết kiệm thông qua livestream. Điều này giúp nhiều livestreamer trở thành triệu phú hoặc thậm chí là tỷ phú USD nhờ tài ăn nói và chốt đơn sắc lẹm.
Theo: SCMP